• Xây dựng Đảng

Sóc Trăng chung sức chăm lo cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng

23/07/2023 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 23/07/2023 | 06:00

STO - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Thực hiện chủ trương này, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều biện pháp và kế hoạch, phong trào phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có trên 50.000 người có công với cách mạng. Qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ sau nhằm tưởng nhớ, tri ân những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Kỳ 3: Viết tiếp câu chuyện hòa bình

“Bản thân tôi may mắn được hưởng độc lập tự do, còn đồng đội tôi biết bao người đã nằm xuống. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, bằng lương tâm và trách nhiệm, chúng ta hãy luôn ghi nhớ và thể hiện bằng hành động biết ơn và tri ân những người đã có công với cách mạng” - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng - nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng chia sẻ. Và câu chuyện của ngày hòa bình được viết tiếp, để sự hy sinh vì đất nước của những người anh hùng không bị lãng quên, mãi được tôn vinh.

Không để tồn đọng các hồ sơ liên quan chính sách người có công

Trong giai đoạn trước đây, Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn trong giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng, dẫn đến phát sinh nhiều hồ sơ tồn đọng. Nguyên nhân là do công tác lưu trữ hồ sơ người có công với cách mạng của các cơ quan quản lý nhà nước trong chiến tranh còn lạc hậu, sơ sài; gia đình hoặc đơn vị của liệt sĩ không còn nhớ ngày tham gia cách mạng nên việc xác định đúng đối tượng, đúng thời gian tham gia cách mạng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, việc xét, thẩm định hồ sơ còn kéo dài chưa đảm bảo đúng quy định, cán bộ cơ sở chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản, còn chủ quan trong việc thực hiện quy trình…

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và đại biểu trao quà, chụp ảnh lưu niệm với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: QUỐC KHA

Với quyết tâm cao, giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện việc giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng. Qua đó, đã có 572 hồ sơ người có công được giải quyết.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Võ Thanh Quang, sở luôn xác định việc xác nhận và giải quyết hồ sơ cho các đối tượng người có công với cách mạng là trách nhiệm của thế hệ sau, thể hiện sự ghi nhớ công lao thế hệ đi trước và san sẻ phần nào những mất mát, hy sinh của người có công và thân nhân của họ. Và hơn hết, không để một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước phải mong mỏi, đợi chờ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn tồn đọng các hồ sơ liên quan chính sách người có công.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng cho rằng, khi đất nước bị xâm lược, trách nhiệm mỗi người là lên đường bảo vệ Tổ quốc, và chấp nhận đánh đổi sinh mạng, hạnh phúc cá nhân cho công cuộc giành độc lập tự do. Khi đất nước hòa bình, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tri ân những người hy sinh tính mạng, thân thể vì sự nghiệp cách mạng và xoa dịu nỗi đau của những gia đình mất người thân vì tham gia kháng chiến; gia đình có công cách mạng. Đó là truyền thống thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tiếp nối điều đó, thế hệ sau cần ghi nhớ rằng, mình được sống trong đất nước hòa bình, thụ hưởng thành quả ngày hôm nay, tất cả được đánh đổi từ sự mất mát, đau thương. Nhất là, cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công với cách mạng phải đặt cái tâm lên hàng đầu, thấu hiểu được nỗi đau của từng cá nhân, gia đình có đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, không để những người có công phải chờ đợi để được xét duyệt hưởng chế độ vì họ tuổi ngày càng cao.

“Cá nhân tôi luôn nặng tình với đồng đội, khi còn sức khỏe cũng như nay tuổi đã cao, biết trường hợp nào là đối tượng có công mà chưa được thụ hưởng chính sách hay đời sống còn khó khăn, tôi luôn tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Tôi luôn trăn trở, phải làm sao giải quyết đúng, đầy đủ chế độ chính sách cho những người có công với cách mạng. Đó không chỉ là quyền lợi chính đáng mà với họ đó còn là danh dự” - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng chia sẻ.

Nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công

Tỉnh Sóc Trăng luôn xác định, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công. Toàn tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 9.800 người có công với cách mạng, kinh phí hơn 220 tỷ đồng/năm. Thụ hưởng nguồn trợ cấp này, nhiều gia đình chính sách có cuộc sống ổn định hơn. Mỗi năm, tỉnh đều tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng tập trung, hỗ trợ điều dưỡng tại gia đình. Từ năm 2017 - 2021, tỉnh đưa gần 3.000 lượt người có công đi điều dưỡng; hỗ trợ gần 19.000 lượt người có công điều dưỡng tại nhà. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đưa 39 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đi tham quan Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác; đưa 25 người có công dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc.

Nhờ được thụ hưởng các chính sách người có công, ông Trần Văn Tâm, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) (thứ 2 từ trái qua) có cuộc sống ổn định hơn. Ảnh: NGỌC HẢI

Rời quân ngũ trở về quê sau gần 2 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Trần Văn Tâm, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) mất đi đôi chân nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. “Nhờ được tham gia học nghề sửa điện cơ (dạy nghề dành cho thương binh xuất ngũ về địa phương), tôi mở tiệm sạc bình, có nguồn thu nhập ổn định. Làm được 6 năm thì có điện đường nên giờ tôi vẫn duy trì công việc này nhưng thu nhập không cao như trước. Phần dư cũng nhờ có tiền trợ cấp hàng tháng cả hai vợ chồng, chúng tôi dành dụm lo cho 2 con ăn học thành tài và xây dựng nhà ở khang trang” - ông Tâm kể lại. Ông còn khoe, năm nào cũng được đi điều dưỡng ở nhiều nơi. Ngoài ra, ông còn nhận được tiền hỗ trợ chỉnh hình hơn 5 triệu đồng, cứ 4 năm nhận một lần.

Dịp lễ, Tết, các cấp trong tỉnh đều trao tặng quà cho người có công, gia đình chính sách. Ngoài ra, rất nhiều nguồn hỗ trợ những gia đình chính sách còn khó khăn. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh còn quan tâm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người có công; đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, ưu tiên xét tuyển, miễn giảm học phí, tặng học bổng, trợ cấp cho con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Được hỗ trợ nhà tình nghĩa, thương binh Lê Hoàng Dũng, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) (đứng giữa) đã xây dựng căn nhà kiên cố. Ảnh: NGỌC HẢI

Để tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn về nhà ở, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đảng bộ và chính quyền các cấp đã phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa và xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng. Từ năm 1992 đến nay, toàn tỉnh vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 140 tỷ đồng, cùng với ngân sách Trung ương hỗ trợ để xây dựng mới và sửa chữa trên 17.000 căn nhà tình nghĩa, trong đó xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 7.846 căn. Đáng phấn khởi là đến năm 2019, không còn hộ người có công bức xúc về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 3.496 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó ưu tiên hỗ trợ hội viên cựu chiến binh, con em của các gia đình liệt sĩ và người có công.

Được hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, thương binh Lê Hoàng Dũng, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên đã xây dựng căn nhà kiên cố. Ông Dũng chia sẻ: “Mang trên người nhiều thương tích do chiến tranh để lại, hai mắt của tôi đã mất đi ánh sáng, là thương binh ¼ nên tôi làm việc gì cũng khó. Nhờ được hưởng trợ cấp hàng tháng, nên kinh tế gia đình tôi cũng giảm phần nào gánh nặng. Hiện nay, mỗi tháng tôi lãnh hơn 8 triệu đồng. Nhà này, tôi xây dựng cũng được hỗ trợ một phần chi phí”.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Xuyên Lê Văn Khải thông tin: “Từ năm 1992 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được trên 2.600 căn nhà tình nghĩa cho gia đình có công với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng. Về chi trả trợ cấp cho các đối tượng, phòng đã phối hợp với bưu điện chi trả hàng tháng, cố định vào đầu tháng. Với những trường hợp đơn thân, già yếu, nhân viên bưu điện đến tận nhà gửi tiền. Ngày 27/7 năm nay, UBND huyện thành lập 11 đoàn thăm và tặng 120 phần quà cho gia đình chính sách; tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện; dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách, người có công với cách mạng được nâng lên đáng kể. Điểm sáng tỉnh đã đạt được là không còn người có công bức xúc về nhà ở và toàn tỉnh có trên 10.500 hộ có mức sống trung bình trở lên, chiếm 98% tổng số hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Cẩm Đào đã khẳng định, việc chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là đạo lý, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người; của thế hệ hôm nay và mai sau. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nêu cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” bằng tình cảm và việc làm thiết thực; tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước.

CHÍ BẢO - THÚY LIỄU - THẾ BẰNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: