• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Tình hình, kết quả và giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư

29/09/2023 05:08 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 29/09/2023 | 05:08

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Quán triệt quan điểm “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; thời gian qua, nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi tường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó tập trung công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng phục vụ với phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Tăng cường công tác cung cấp thông tin, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp. Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư để vận động đầu tư, phân công đơn vị đầu mối theo dõi công tác thu hút và hỗ trợ đầu tư đối với từng dự án cụ thể. Thành lập và chỉ đạo hoạt động hiệu quả Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trên, Sóc Trăng đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, kinh doanh: Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Sóc Trăng năm 2022 tăng 17 bậc so với đầu nhiệm kỳ (năm 2020 đạt 62,34 điểm xếp hạng 51/63, năm 2022 đạt 65,17 điểm xếp hạng 34/63 tỉnh thành) và là năm đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Về công tác thu hút đầu tư, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc hơn 280 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 47 dự án, với tổng vốn đăng ký 51.208,9 tỷ đồng, tăng 4 dự án so với giai đoạn 2017-2019. Một số dự án với quy mô lớn đã đi vào hoạt động, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh…) như: 4 nhà máy điện gió đã vận hành thương mại, các nhà máy sản xuất hàng may mặc trong khu công nghiệp, các nhà máy chế biến thủy hải sản.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và hơn 800 đại biểu bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp trong, ngoài nước. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án với tổng vốn 12.078 tỷ đồng, đồng thời đã ký kết 18 bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư, với tổng vốn đầu tư các dự án là 212.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số… Đến nay, ghi nhận 14/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án và các hoạt động hợp tác cụ thể. Các sở, ban ngành đang tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý cần thiết và hỗ trợ nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề. Trên cơ sở đó, tỉnh đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.

Bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn những hạn chế nhất định, dẫn đến khả năng thu hút đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cụ thể:

Thứ nhất, công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong xử lý thủ tục hành chính của doanh nghiệp, nhà đầu tư tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế, phối hợp chưa kịp thời và còn thiếu sự đồng bộ. Ngoài ra, có thể thấy các đơn vị đã chủ động và linh hoạt hơn trong việc vận dụng pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng nhìn chung công tác phối hợp đôi lúc chưa nhịp nhàng, chưa chặt chẽ.

Thứ hai, công tác xúc tiến đầu tư tuy đã dần đi vào chiều sâu theo hướng chủ động tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng và có phân công đơn vị phụ trách từng dự án cụ thể nhưng vẫn còn hạn chế trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở pháp lý để các dự án có thể triển khai ngay khi có nhà đầu tư đăng ký. Theo đó, mặc dù các sở ngành đã quan tâm đề xuất quy trình thủ tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhưng chưa thực sự quan tâm đúng mức nên trong quá trình triển khai có các vấn đề phát sinh dẫn đến khó khăn cho cơ quan.

Thứ ba, nhận thức, năng lực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ đã được cải thiện ở các ngành, lĩnh vực nhưng vẫn còn tồn tại hiện tượng trùng lấp kế hoạch thanh tra của các đơn vị, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ tư, chất lượng đào tạo lao động vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp dẫn đến chi phí tuyển dụng lao động tăng và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tại doanh nghiệp giảm.

Thứ năm, công tác thông tin tuyên truyền chưa đạt yêu cầu, chưa đồng đều ở các ngành, các lĩnh vực, các thông tin cần thiết chưa đến được rộng rãi doanh nghiệp. Điều này, phần nào làm giảm hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện.

Thứ sáu, việc thực hiện không đồng bộ, nhất quán các chủ trương, chính sách của Nhà nước và ở cấp sở ngành và địa phương trở thành một trong những rào cản trong nỗ lự đồng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Thứ bảy, mặc dù chỉ số PCI năm 2022 tăng 20 bậc so với năm 2021, nhưng theo kết quả PCI chung cả nước năm 2022, điểm số trung vị của 6/10 chỉ số thấp hơn năm 2021 cho thấy năm 2022 việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của một số tỉnh, thành có dấu hiệu chậm lại, phần nào dẫn đến mức tăng “vượt bậc” kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, dù kết quả PCI của tỉnh năm 2022 tăng điểm và nằm trong nhóm “khá” nhưng tỉnh vẫn phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Báo cáo chính trị giữa nhiệm kỳ đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tại Hội nghị tôi xin đề xuất một số nội dung cần tập trung quan tâm chỉ đạo như sau:

Một là, Tăng cường truyền thông về việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rất quyết tâm cũng như đã đầu tư rất nhiều công sức để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Điều đó được thể hiện trong nhiều văn bản của tỉnh như nghị quyết của Tỉnh ủy, quyết định, hay các văn bản chỉ đạo điều hành hoặc các kế hoạch hành động của UBND tỉnh nhưng chưa được truyền thông kịp thời, đúng mức. Do vậy, cần tăng cường công tác truyền thông về các giải pháp tỉnh thực hiện để những nỗ lực của tỉnh đến gần hơn với doanh nghiệp chứ không chỉ dựa vào “cảm nhận của doanh nghiệp”, mà còn lưu ý các nội dung truyền thông bám sát các chỉ tiêu đánh giá PCI và được truyền thông thường xuyên.

Hai là, Nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Chuẩn hóa đội ngũ công chức về trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, chức có hành vi giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định, có hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu; đặc biệt lưu ý đối với công chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy, môi trường.

Ngoài ra, qua thực tế cho thấy, yêu cầu chất lượng xử lý công việc liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng cao, trong khi đó, tại một số đơn vị khối lượng xử lý công việc của công chức, viên chức ngày càng nhiều. Do vậy, việc phân công, phân nhiệm trong đơn vị cần hợp lý và trong công tác tinh giản biên chế cần có sự xem xét phù hợp.

Ba là, Các Sở ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, nhất quán chủ trương, chính sách của Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp sở, ngành và địa phương. Kết quả PCI năm 2022 cho chúng ta thấy những nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Tuy nhiên, việc thực thi tại một số sở, ngành, địa phương chưa được đồng bộ đã làm giảm phần nào hiệu quả của những giải pháp, chủ trương, chính sách mà tỉnh đang triển khai. Do vậy, thời gian tới, các sở ngành, địa phương phải bám sát thực hiện các giải pháp mà tỉnh đã đưa ra, thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động thuận lợi trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp mà tỉnh đã đưa ra tại đơn vị.

Bốn là, Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Các sở, ngành, địa phương cần bám sát, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh cấp tỉnh theo các văn bản đã ban hành như: Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 22 tháng 3 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch số 149/KH-UBND, ngày 13 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Sóc Trăng và Công văn số 2181/UBND-TH, ngày 11 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh sẽ có những bước khởi sắc hơn nữa, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, từ đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: