• Xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng “sâu rễ bền gốc” trong đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

03/08/2022 03:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 03/08/2022 | 03:19

STO - LTS: Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng 1,4 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đông nhất là tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Cùng với triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư của Trung ương đến với đồng bào Khmer, các địa phương ở hai tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Kỳ 1: Cả hệ thống chính trị quan tâm, chăm lo

Những chủ trương, chính sách của Trung ương bao phủ toàn diện trên nhiều lĩnh vực đã làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào Khmer sinh sống, làm chuyển biến rõ nét đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Trà Vinh và Sóc Trăng đã có nhiều giải pháp đồng bộ, dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt trong triển khai thực hiện để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer.

Từ sinh kế, an cư đến ấm no, đủ đầy

Sau mấy năm, chúng tôi trở lại xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) - nơi có 80% đồng bào Khmer sinh sống và thật sự ngỡ ngàng trước diện mạo mới ở nơi vốn được xem là "vùng lõm" của một tỉnh còn nhiều khó khăn. Đường vào trung tâm xã nay đã rộng thênh thang, trải nhựa kiên cố, được tô điểm hai bên bởi những cánh đồng lúa vừa xuống giống vụ Hè - Thu, tạo điểm nhấn cho một vùng châu thổ màu mỡ. Những con đường liên ấp sình lầy trước kia giờ đã được thay mới bằng đường bê tông, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng. Nhiều ngôi nhà mái ngói xây dựng kiên cố thay cho nhà vách lá làm sáng đẹp hơn bộ mặt phum, sóc. Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 nhưng đến cuối năm 2021, Đa Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 54 triệu đồng/người/năm, tăng 34 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.

Đồng bào Khmer với điệu múa truyền thống. Ảnh: TRẦN THÚY

Khoảng 10 năm trước, Châu Thành vẫn là huyện nghèo trong tỉnh, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là ở những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Ngày ấy, bà con ở các xóm, ấp chủ yếu đi lại bằng ghe, xuồng, hệ thống đường giao thông trên bộ vừa thiếu, vừa yếu. Giao thông bị chia cắt, lưu thông hàng hóa khó khăn, không có nhiều điều kiện để giao thương, phát triển kinh tế nên cái nghèo cứ bám riết bà con. Hơn 10 năm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Châu Thành không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo thực hiện quyết liệt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tháng 3/2022 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vui mừng, tự hào đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Châu Thành là huyện nông thôn mới.

Giai đoạn 2016 - 2021, hạ tầng giao thông trong vùng đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Trà Vinh không ngừng được đầu tư nâng cấp. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 654 công trình, dự án cầu, đường giao thông nông thôn với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai xây dựng 589 dự án cầu, đường giao thông nông thôn với kinh phí hơn 9.400 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trà Vinh hiện có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến trước năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh.

Những ngày khảo sát thực tế tại một số huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi cảm nhận rõ bầu không khí vui tươi, phấn khởi của bà con nơi đây khi chứng kiến quê hương đang khởi sắc từng ngày. Đó là cả một hành trình dài vừa gom góp, tích lũy vốn liếng, vừa nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đồng bào Khmer các địa phương được tiếp cận nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước như được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn phát triển kinh tế, các chính sách an sinh như y tế, giáo dục, việc làm... và từng bước vươn lên thoát nghèo. Cụ thể như tại tỉnh Sóc Trăng, đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào đến cuối năm 2021 giảm còn 3,13%. Tại Trà Vinh, toàn tỉnh có hơn 31% dân số là đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm còn 0,89% (theo tiêu chí cũ).

Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng. Ảnh: TRẦN THÚY

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh và Sóc Trăng đều có chung khẳng định: Mọi chủ trương, chính sách, nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho đồng bào Khmer nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đều được cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả, linh hoạt. Sự phát triển toàn diện ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào, qua đó vun bồi thêm niềm tin nơi đồng bào với Đảng. Đây chính là tiền đề quan trọng để các địa phương làm tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào. Ngược lại, khi năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên sẽ là hạt nhân quy tụ lòng dân, khơi dậy sức dân giúp địa phương giải quyết những khâu yếu, việc khó ở cơ sở và trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp nhân dân trong tiến hành các phong trào cách mạng của địa phương.

Lắng nghe để thấu hiểu

Ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), bà con vẫn truyền tai nhau câu chuyện nhờ có đồng chí cán bộ của tỉnh được phân công theo dõi địa bàn xã mà những vấn đề bức xúc, nổi cộm, các điểm nóng trên địa bàn được giải quyết, xử lý nhanh chóng. Chuyện là, xã An Thạnh Đông nằm ven sông Hậu, dải đê bao thường xuyên bị xâm nhập do triều cường dẫn đến sạt lở. Nhận được phản ánh của địa phương, đồng chí cán bộ của tỉnh nhanh chóng liên hệ với các đơn vị thi công công trình của tỉnh và UBND huyện cử lực lượng, phương tiện xuống khắc phục ngay. Cán bộ đó là đồng chí Lâm Tiến Thạch - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Tại buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Lâm Tiến Thạch cho biết, trong nhiệm kỳ này, để tăng cường công tác phối hợp hai chiều, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Quy chế số 10-QC/TU, ngày 19/10/2021, phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, phụ trách đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh và các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trưởng các ban HĐND tỉnh... theo dõi, phụ trách đảng bộ xã, phường, thị trấn. Ngoài việc tham dự các cuộc họp định kỳ của ban chấp hành đảng bộ và ban thường vụ cấp ủy xã, mỗi đồng chí được phân công theo dõi, phụ trách lựa chọn và đăng ký sinh hoạt đảng tại chi bộ ấp, tổ dân phố, nhất là những chi bộ qua đánh giá, xếp loại còn hạn chế, yếu kém.

Anh Thạch chia sẻ: “Quy chế là vậy, nhưng muốn sâu sát với cơ sở thì đồng chí được phân công theo dõi phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ sở. Bản thân tôi được giao nhiệm vụ theo dõi 3 xã là An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung), thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) và xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị). Cả 3 xã đều có đông đồng bào Khmer sinh sống, lại nằm trên 3 đơn vị hành chính khác nhau và đều cách trung tâm tỉnh khoảng 30km. Nhưng không phải đến ngày họp định kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ xã thì tôi mới xuống dự, như thế chỉ là hình thức và máy móc. Thay vào đó, những ngày cuối tuần, khi có thời gian rảnh, tôi vẫn thường xuống cơ sở, ngồi uống nước cùng anh em cán bộ chủ chốt xã, rồi mời các trưởng ban nhân dân ấp, bí thư chi bộ ấp cùng đến trò chuyện, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương...”.

Tương tự với cách làm ở Sóc Trăng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, cấp ủy tỉnh phụ trách xã; trên cơ sở đó giao cho các huyện ủy có văn bản hướng dẫn ban thường vụ cấp ủy xã, cấp ủy xã theo dõi, chỉ đạo chi bộ khóm, ấp và đảng viên ở các khóm, ấp theo dõi, phụ trách hộ gia đình. Hiệu quả nhất là trong đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19, cán bộ, đảng viên các khóm, ấp quản lý chặt tình hình, kiểm soát chặt chẽ người về địa phương. Ngoài ra, 3 năm trở lại đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh phân công các ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các xã có đông đồng bào Khmer hàng tháng xuống sinh hoạt cùng các chi, tổ hội, đoàn thể ở ấp để hướng dẫn, góp ý, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức ở cơ sở. 

Trao bằng tốt nghiệp tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHÍ BẢO

Trong suốt thời gian tiến hành khảo sát trên địa bàn các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến xã mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện hầu hết đều nói được tiếng Khmer. Đó là kết quả từ việc thực hiện chủ trương đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức của các tỉnh. Như tại Trà Vinh, mỗi năm có hàng nghìn người tham gia học ngôn ngữ Khmer trong hệ thống giáo dục thường xuyên, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức học để phục vụ yêu cầu công tác ở vùng đồng bào dân tộc. Còn tại tỉnh Sóc Trăng, thực hiện đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tham mưu và tổ chức chương trình dạy tiếng Khmer trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Sau gần 3 năm triển khai đã phát sóng được 34 chương trình và tạo hiệu ứng, hiệu quả rất rõ nét. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lâm Minh Đằng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh lại có cách lý giải khác. Theo đồng chí, hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần, trình độ học vấn, trình độ dân trí của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đã được nâng lên rất nhiều. Hầu hết đồng bào có thể nói, viết thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Khmer. Con em đồng bào có trình độ từ THPT trở lên chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vậy vì sao cán bộ, công chức, viên chức các địa phương vẫn học tiếng đồng bào? Học không chỉ để biết, để nói được tiếng đồng bào mà cái chính là để hiểu bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, hiểu nếp nghĩ, cách làm của bà con. “Hiểu dân nói và nói cho dân hiểu”, từ đó mới có phương thức phù hợp nhất để tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào. Đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến huyện thường xuyên về với đồng bào, hòa mình vào thực tiễn sinh động ở cơ sở là sợi dây kết nối giữa Đảng với đồng bào Khmer, là chất liệu gắn kết bền chặt nhất giữa ý Đảng và lòng dân. 

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: