• Xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng “sâu rễ, bền gốc” trong đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

06/08/2022 03:08 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 06/08/2022 | 03:08

STO - LTS: Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng 1,4 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đông nhất là tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Cùng với triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư của Trung ương đến với đồng bào Khmer, các địa phương ở hai tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

 

Kỳ 4: Phát huy vai trò của những “nhịp cầu”, nối dân với Đảng

Thời gian qua, đội ngũ đảng viên người Khmer ở cơ sở thường xuyên được cấp ủy các cấp quan tâm bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tốt vai trò là những nhịp cầu nối giữa Đảng với đồng bào. Từ những cách làm, mô hình hay ở chi bộ khóm, ấp và tinh thần xung kích đi đầu của các đảng viên đã khẳng định, đảng viên người Khmer luôn hết mình với công việc Đảng giao phó, là hạt nhân đoàn kết, đi đầu trong các phong trào, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của địa phương.

Nặng lòng việc nước, việc dân

Ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) là ấp đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Bà con trong ấp phần lớn làm nông nghiệp, ít tiếp xúc với bên ngoài, nhiều người không rành tiếng Việt nên việc tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những chính sách mới đến với bà con gặp không ít trở ngại. Ví như trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc tuyên truyền cho bà con thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch và tiêm vắc xin gặp nhiều khó khăn.

Sinh sống tại ấp Lâm Dồ, lại là đảng viên trong chi bộ nên anh Thạch Hoàng Minh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con nhằm từng bước nâng cao đời sống bà con nhân dân trong ấp. Những ngày cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, là thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch của ấp, anh Minh trực tiếp đến từng gia đình, vận động bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vắc xin. 

Anh Minh chia sẻ với chúng tôi: “Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì người dân lo ngại vấn đề vắc xin kém chất lượng, nhưng qua tuyên truyền tích cực, thấy mình là người trong ấp nên bà con tin tưởng. Tôi nhớ nhất là có hai ông bà đã lớn tuổi, nhà neo đơn, các con cháu đi làm ở Bình Dương không về được. Khi vận động ông bà tiêm vắc xin thì cả hai rất sợ vì có bệnh nền... nên không chịu tiêm. Tôi phải đến nhà nhiều lần để vận động, từng bước thuyết phục và giải thích cho hai ông bà hiểu về mức độ an toàn của vắc xin và các khâu tiêm ngừa, bác sĩ sẽ khám sàng lọc trước rồi mới tiêm... Nghe xong, ông bà đồng ý đi tiêm, vì tuổi cao sức yếu nên tôi trực tiếp chở đến nơi tiêm và hỗ trợ đăng ký tiêm”.

Mô hình đảng viên người Khmer làm kinh tế giỏi ở xã Ngũ Lạc (Duyên Hải, Trà Vinh). 

Bà con Khmer ở ấp Bãi Xào Chót, xã Kim Sơn (huyện Trà Cú, Trà Vinh) đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Bí thư Chi bộ ấp Kim Mạc Ly luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người. 65 tuổi đời, hơn 30 năm tuổi Đảng, gần 20 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ ấp và trước đó có nhiều năm là Trưởng Ban nhân dân ấp, ông Kim Mạc Ly gắn bó gần như trọn vẹn cuộc đời ở nơi chôn nhau cắt rốn, nên đã nằm lòng từng ngõ xóm, nắm rõ từng tổ dân cư có bao nhiêu hộ, thấu tỏ hoàn cảnh từng gia đình trong ấp... Đều đặn hàng tuần, đồng chí Bí thư Chi bộ ấp vẫn thường đến thăm nom các hộ gia đình có hoàn cảnh neo đơn, đến động viên các hộ nghèo chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Chi bộ có 24 đảng viên thì 100% đều là người Khmer nên mọi việc trong chi bộ, trong ấp đều rất đồng thuận. 

Tại đây, chúng tôi được nghe kể nhiều chuyện về những đảng viên gương mẫu đi đầu trong xây dựng, phát triển địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, đồng thuận với các chủ trương của trên và giúp đỡ đồng bào thoát nghèo. Địa bàn ấp là khu vực bị nước mặn xâm nhập thường xuyên. Từ nhiều nguồn vốn, xã Kim Sơn triển khai xây dựng dải đê bao ngăn mặn, ấp đã làm được hơn 3.000m đê bao, trong đó, rất nhiều bà con vừa hiến đất, hiến cây khu vực đê bao đi qua. Trước khi triển khai, chi bộ phân công các đảng viên đi vận động gia đình thân tộc hiến đất, hiến cây để xây dựng đê bao. Chẳng hạn như đảng viên Dương Thị Tố Linh đã vận động gia đình bố mẹ đẻ và gia đình thân tộc hiến hơn 1.000m2 đất; đảng viên Diệp Đa Nươne vận động gia đình nhà vợ hiến hàng trăm m2 đất... Trong giai đoạn 2015 - 2020, thực hiện chủ trương phân công đảng viên theo dõi, kèm cặp hộ nghèo, chi bộ ấp có nhiều cách, như hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng; hướng dẫn phương pháp chăn nuôi; thành lập tổ đổi công, hộ có đất thì trả công, hộ không có đất thì được trả tiền... Từ sự hỗ trợ của chính quyền về nhà ở, hỗ trợ vay vốn sản xuất, các đảng viên trong ấp đã giúp được hơn 20 hộ trên tổng số hơn 30 hộ thoát nghèo. Đến nay, toàn ấp chỉ còn 7/207 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo.

Nằm cạnh xã Kim Sơn là xã Thanh Sơn, nơi có hơn 70% đồng bào Khmer sinh sống. Trong lúc đưa chúng tôi xuống các ấp trong xã, khi đi qua điểm trường mầm non ở ấp Dòng Ông Thìn vừa được xây dựng khang trang, đồng chí Thạch Thị Mỹ Anh - Phó Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu: “Do quỹ đất xây dựng các công trình dân sinh của xã hạn chế, nên đảng viên Sơn Sa Tha ở ấp Dòng Ông Thìn đã hiến 1 công đất (1.000m2) để xây dựng điểm trường mầm non này. Năm vừa qua, anh Sơn Sa Tha còn cho gia đình anh Tăng Dượng, là hộ nghèo trong ấp mượn đất để sản xuất. Được mượn 5 công đất, gia đình anh Dượng chăm chỉ làm ăn, trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu và nay đã thoát nghèo từ khoảng đất được mượn này”. 

Đi cùng chúng tôi, anh Thạch Thái Bình - Bí thư Chi bộ ấp Dòng Ông Thìn chia sẻ thêm: “Hiện trong ấp còn 9 hộ nghèo, ngay từ đầu năm chi bộ ra nghị quyết phân công mỗi đảng viên phụ trách theo dõi, giúp đỡ 1 hộ nghèo. Riêng bí thư, phó bí thư chi bộ, mỗi người theo dõi, giúp đỡ 2 hộ. Chi bộ đặt mục tiêu trong năm nay sẽ giảm được 4 hộ nghèo”... Được mắt thấy tai nghe những câu chuyện đầy nhân văn, nhân tình, nhân nghĩa ở một địa phương vùng sâu, vùng xa, dẫu còn lắm gian truân, bộn bề thiếu khó, nhưng chúng tôi tin mục tiêu mà Chi bộ ấp Dòng Ông Thìn đặt ra sẽ về đích trước thời hạn. 

Chung tay xây dựng quê hương mạnh giàu

Hôm chúng tôi đến xã Kim Sơn, cũng vừa hay cách đó mấy ngày, Chi bộ ấp Bãi Xào Chót mới tổ chức sinh hoạt tháng 5 để triển khai nhiệm vụ tháng 6-2022. Theo quy định của Tỉnh ủy Trà Vinh, các chi bộ sinh hoạt cố định vào ngày 24 hàng tháng để đảng viên sắp xếp công việc, thời gian và tham gia đông đủ. Bởi thế, không riêng Chi bộ ấp Bãi Xào Chót mà tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh Trà Vinh luôn đạt trên 95%. Xem cuốn sổ ghi chép nội dung sinh hoạt Chi bộ ấp Bãi Xào Chót, chúng tôi nhận thấy nội dung sinh hoạt ở từng tháng rất sát với tình hình của ấp và nhiệm vụ của chi bộ. Cụ thể trong buổi sinh hoạt tháng 5, chi bộ tiến hành cho ý kiến về công tác bầu cử ban nhân dân ấp, thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, thông tin về tình hình thời sự của tỉnh và sinh hoạt chuyên đề công tác vận động nhân dân không bỏ đất hoang... 

Đảng viên người Khmer ở xã Ngũ Lạc (Duyên Hải, Trà Vinh) giúp đỡ hộ nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà mới. Ảnh: TRẦN THÚY

Khi biết chúng tôi quan tâm đến nội dung sinh hoạt chuyên đề, Bí thư Chi bộ Kim Mạc Ly giải thích: “Bà con trong ấp chúng tôi chủ yếu trồng mía, nhưng thời điểm này giá cả bấp bênh, vật tư phân bón tăng cao nên nhiều hộ dân không trồng mía mà để đất hoang. Trước thực tế trên, chi bộ tiến hành sinh hoạt chuyên đề, triển khai cho các đảng viên đang phụ trách các khu dân cư, tổ tự quản vận động nhân dân không bỏ đất hoang. Nếu bà con không tiếp tục sản xuất trên đất thì các đảng viên sẽ vận động hộ dân đó cho hộ nghèo không có đất sản xuất mượn lại để canh tác”. Ông Kim Mạc Ly vui mừng thông báo, sinh hoạt chi bộ hôm trước thì ngay hôm sau, đảng viên Dương Thị Tố Linh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp đã vận động được gia đình anh Diệp Xanh; đảng viên Nhang Văn Xong, Chi hội trưởng cựu chiến binh ấp cũng vận động được hộ ông Kim Bune có đất để hoang cho hộ nghèo mượn lại đất để canh tác... 

Tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo xã Thanh Sơn, đồng chí Thạch Thị Mỹ Anh - Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ nhiều thông tin rất đáng mừng. Đồng chí cho biết: “Đảng bộ xã Thanh Sơn hiện nay không còn đảng viên nghèo nữa. Đây là tiền đề thuận lợi để cán bộ, đảng viên xã cùng chung tay giúp bà con thoát nghèo. Bà con thoát nghèo rồi thì sẽ tích cực tham gia các phong trào của địa phương và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”. 

Xã Thanh Sơn có 7 ấp, đồng bào Khmer chiếm hơn 70%, trong đó đảng viên người Khmer chiếm hơn 60% tổng số đảng viên trong Đảng bộ xã. Tìm hiểu thực tế tại đây, chúng tôi được biết thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã có nhiều mô hình hay, phát huy hiệu quả rõ nét. Nổi bật là mô hình phát huy tinh thần 2 tiết kiệm “tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi tiêu” để hỗ trợ đảng viên nghèo và hộ nghèo. Theo đó, hàng tháng ngoài tiền đảng phí theo quy định, các đảng viên đóng góp thêm 10.000 đồng/đảng viên để góp vào quỹ. Mô hình được thực hiện từ năm 2014, tiếp tục duy trì đến nay và đã đóng góp được hơn 60 triệu đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, các gia đình đảng viên nghèo vượt qua khó khăn, yên tâm công tác. Mô hình đã hỗ trợ được 2 đảng viên nghèo khó khăn về nhà ở xây dựng nhà mới khang trang (mỗi căn trị giá 20 triệu đồng) và mua được 3 con bò tặng 3 đảng viên nghèo, cùng nhiều cách thức hỗ trợ thiết thực khác...

Ngoài ra ở xã Thanh Sơn có nhiều mô hình vừa mang giá trị nhân văn, vừa hiệu quả thiết thực, như mô hình “Nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi” của Hội Chữ thập đỏ xã. Toàn xã có 21 cụ già neo đơn, hàng tháng được hỗ trợ 10kg gạo/cụ. Hay như mô hình “Góp vốn xoay vòng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, hoa màu xây cầu giao thông nông thôn” ở Chi bộ ấp Sóc Chà A...

Chia tay xã Kim Sơn, Thanh Sơn của huyện Trà Cú, men theo Quốc lộ 53, chúng tôi về ấp Bào Môn, xã Đôn Châu của huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Hệ thống đường điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, chạy dọc trục đường chính trong ấp. Hai bên đường là những khóm hoa, cây cảnh rực rỡ muôn màu sắc, tạo nên diện mạo đầy khởi sắc. Đón chúng tôi, đồng chí Huỳnh Rang - Bí thư Chi bộ ấp giới thiệu: “Toàn ấp có 82% là đồng bào Khmer. Chi bộ ấp có 18/20 đảng viên là người Khmer và không còn đảng viên nghèo. Ngoài các mô hình đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, mô hình hỗ trợ tổ tự quản... năm 2022 này, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chi bộ có thêm mô hình trồng hoa cảnh, làm đường điện thắp sáng đường quê. Đảng viên trong chi bộ tiên phong đóng góp trước, mỗi đảng viên góp 200.000 đồng. Hiện số tiền đóng góp của đảng viên và các nguồn vận động được 37 triệu đồng rồi”...

Còn rất nhiều cán bộ, đảng viên Khmer tiêu biểu mà chúng tôi có dịp trò chuyện, họ vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài hết mình với công việc mà Đảng giao phó. Họ xứng đáng là những cánh tay nối dài của Đảng ở cơ sở, xứng đáng là những “nhịp cầu” vững chãi, nối dân với Đảng, lặng thầm cống hiến, hy sinh...

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: