Vùng đất Hòa Đông - miền ký ức không phai thời máu lửa

27/04/2024 04:21 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Song Lê
  • Thứ Bảy, 27/04/2024 | 04:21

STO - Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là vùng căn cứ cách mạng, nhân dân bám đất, bám làng một lòng trung kiên theo Đảng để đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng tọa lạc tại ấp Nguyễn Út là nơi lưu dấu trận đánh oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa - Hòa Đông.

Giai đoạn 1930 -1975, địa bàn xã Hòa Đông chỉ là những xóm, ấp thuộc xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu. Đến năm 1981, xã Hòa Đông được thành lập từ một phần của xã Khánh Hòa. Xã Hòa Đông hiện nay có 10 ấp: Hòa Giang, Hòa Khởi, Cảng Buối, Lẩm Thiết, Thạch Sao, No Tom, Xóm Mới, Giầy Lăng, Nguyễn Út, Trà Teo. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn xã Hòa Đông là vùng căn cứ cách mạng, nhân dân bám đất, bám làng, một lòng trung kiên theo Đảng đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Ông Huỳnh Hữu Hạnh, một trong những người từng tham gia hỗ trợ trận đánh Giầy Lăng kể rằng, rạch Giầy Lăng nằm ở phía Nam sông Mỹ Thanh thuộc xã Khánh Hòa (lúc bấy giờ xã Hòa Đông thuộc xã Khánh Hòa), huyện Vĩnh Châu, cách cửa biển Mỹ Thanh khoảng 15km về hướng Bắc. Đây là vùng giải phóng, bộ đội thường về đóng quân, địa hình ven sông rạch nhiều vườn, rừng kín đáo. Do sông rạch nhiều nên sông Mỹ Thanh có tàu sắt địch thường hoạt động. Thông thường địch hành quân đánh phá vào vùng này chủ yếu đổ bộ đường không bằng trực thăng, hoặc kết hợp với hải quân hoạt động trên sông lớn.

Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng quà tri ân những gia đình có công với cách mạng ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: SONG LÊ

Ông Hạnh còn nhớ vào đầu tháng 5/1965, Tiểu đoàn Phú Lợi hành quân về đóng quân tại ấp Giầy Lăng. Theo kế hoạch ban đầu, đội hình tiểu đoàn triển khai dọc theo bờ phía Nam sông Mỹ Thanh, vừa dưỡng quân, chuẩn bị huấn luyện bổ sung, vừa sẵn sàng đánh tàu địch. Do cặp sông lớn là rừng, không có dân, việc ăn ở, sinh hoạt của bộ đội gặp khó khăn hơn nên chỉ huy có điều chỉnh đội hình bố trí, một số đại đội và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn lui về trận địa tuyến 2 vì bên trong các rạch nhỏ có dân ở, dựa vào dân và tranh thủ được sự giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương để thực hiện phương án tác chiến. Địch nhiều lần ném bom, dùng trực thăng vũ trang và trực thăng đổ quân tiến công. Sau những lần tấn công không thành và bị thiệt hại nặng nề về binh lực, địch đã sử dụng bom gây ngạt thở (chất độc BZ). Do không đề phòng trước và hoàn toàn bất ngờ trước hành động tàn bạo của địch, toàn bộ trận địa Đại đội Bộ binh 3 bị nhiễm độc, một số đồng chí bị thương nặng đã hy sinh ngay tại chỗ, đa số còn lại bị ngạt, ngã gục tại công sự và hoàn toàn mất sức chiến đấu.

Trận đánh Giầy Lăng diễn ra hơn 1 ngày. Bộ đội địa phương huyện, du kích xã Khánh Hòa phối hợp với Tiểu đoàn Phú Lợi kiên cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, bắn hỏng một máy bay trực thăng. Về phía ta cũng tổn thất nặng, nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn Phú Lợi đã anh dũng hy sinh...

Chi bộ, quân và dân Khánh Hòa - Hòa Đông biến đau thương, lòng căm thù giặc thành hành động cách mạng thiết thực. Trước mắt chăm lo cho thương binh, an táng các chiến sĩ anh dũng hy sinh, giúp đỡ nhân dân, những gia đình có người bị giặc giết, có nhà bị bom giặc bắn cháy, sụp đổ. Vượt lên đau thương, mất mát, nơi đây tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố các cơ sở, lực lượng cùng với huyện sẵn sàng kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị, công tác binh vận và chiến tranh du kích. Nhân dân Hòa Đông không ngừng đóng góp tiền của góp phần nuôi quân, nuôi dưỡng cán bộ, nhiều hộ đảm nhận nuôi và chăm sóc thương binh trong nhà. Đồng thời tiếp tục kiên cường chống giặc cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vùng đất “mưa bom, bão đạn” ngày xưa giờ ngày càng phát triển, đặc biệt là phát huy thế mạnh nuôi thủy sản. Ảnh: SONG LÊ

Đồng chí Lý Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Đông cho biết, sau giải phóng, Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng được xây dựng và qua nhiều lần trùng tu. Năm 2022, Nhà bia này được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Đây là minh chứng để giáo dục, nhắc nhở cho các thế hệ trẻ về sự khốc liệt của chiến tranh, từ đó quý trọng giá trị của hòa bình.

Vùng đất “mưa bom, bão đạn” ngày xưa giờ cũng ngày càng phát triển, kinh tế chủ yếu là nuôi thủy sản và phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cuối năm 2023, trên địa bàn xã có 2.238/2.761 căn nhà ở kiên cố và bán kiên cố, đạt tỷ lệ 81,06%; thu nhập bình quân đầu người trên 68 triệu đồng/người/năm; tổng số hộ nghèo toàn xã hiện nay là 76 hộ, chiếm 2,75% và 91 hộ cận nghèo, chiếm 3,29%. Hiện nay, xã Hòa Đông là xã nông thôn mới, đang thực hiện các mục tiêu để hướng đến xã nông thôn mới nâng cao.

SONG LÊ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: