• Chuyển đổi số

Đẩy mạnh chuyển đổi số

29/10/2023 04:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 29/10/2023 | 04:19

STO - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và đang được các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh thực hiện. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 07), Sóc Trăng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đang mang lại những kết quả tích cực. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu từng bước được đầu tư đồng bộ. Các hệ thống thông tin dùng chung như: Quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, camera giám sát, ứng dụng phản ánh hiện trường... hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đang được nhiều người dân quan tâm thực hiện. Ảnh: THIỆN HẢI

Theo đồng chí Nguyễn Minh Chiến - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2023, có 87,74% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh; 85,79% đối với cấp huyện; 76,28% đối với cấp xã. Tính đến tháng 9/2023, 30,77% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điện tử từ tỉnh đến cơ sở được kiểm tra thông qua môi trường số.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 775 tổ công nghệ số cộng đồng ở các khóm, ấp. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Cùng với đó, mạng viễn thông đã cơ bản cung cấp dịch vụ tới 100%  xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, cơ bản phủ sóng 3G, 4G, 5G cho các địa bàn dân cư. Những điều kiện thuận lợi này đã góp phần đem lại nhiều tiện ích khi người dân sử dụng các dịch vụ số thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, các sở, ngành, địa phương đang tích cực xây dựng thí điểm mô hình tuyến đường không dùng tiền mặt; đẩy mạnh ứng dụng quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử… Những nỗ lực này đã từng bước số hóa trong hoạt động lãnh đạo, điều hành và giúp người dân tiếp cận được với ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống.

Theo đồng chí Khưu Đăng Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, việc xử lý văn bản của các cơ quan, đơn vị, địa phương đều được xử lý và trao đổi qua môi trường mạng thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đạt tỷ lệ 90%; 100% cán bộ lãnh đạo đã được cấp chứng thư số; 100% cán bộ, công chức đều có hộp thư điện tử công vụ. Huyện đã hỗ trợ người dân đăng ký, hướng dẫn sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) cho 23.337/82.405 người.

Gần đây, UBND thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề đã triển khai mô hình “Đoạn đường thanh toán không dùng tiền mặt” tại ấp Châu Thành. Mô hình được thí điểm với 20 hộ kinh doanh, tiểu thương tham gia. Thông qua việc thanh toán bằng các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử thông dụng, mã QR sẽ giúp người dân hình thành thói quen, hướng đến tiêu dùng thông minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thị trấn.

Tại huyện Long Phú, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban ngành huyện và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản, hướng dẫn các bước nộp hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt là tuyên truyền thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trên địa bàn huyện đạt 83% (tăng 35% so với cùng kỳ, vượt 3% so chỉ tiêu kế hoạch thi đua đề ra).

Với những kết quả đạt được cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 07 đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Người dân cũng đã quan tâm và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Mục tiêu Nghị quyết số 07 đã đề ra là: “Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, cần sự vào cuộc, quyết tâm hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mỗi người dân trên địa bàn tỉnh.

THIỆN HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: