• Chuyển đổi số

Huyện Trần Đề:

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng

14/01/2024 04:51 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 14/01/2024 | 04:51

STO - Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và được các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện. Tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng), việc ứng dụng chuyển đổi số cũng đang được huyện tập trung thực hiện bằng những mô hình thiết thực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Hơn nửa tháng nay, tiểu thương và người dân ở xã Đại Ân 2 đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tại chợ Ngan Rô, khách hàng có thể thanh toán khi mua hàng hóa bằng cách chuyển khoản thông qua các ứng dụng ngân hàng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Việc thanh toán bằng hình thức này khá nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Kinh doanh nước giải khát trên địa bàn xã Đại Ân 2, ông Lê Quang Châu đồng tình cao khi nhiều người thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Châu, lúc mới tiếp cận với hình thức thanh toán này, ông cảm thấy khá e ngại. “Sau một thời gian áp dụng, tôi thấy rất thuận lợi, an toàn vì việc này giúp người mua và người bán có thể tiết kiệm thời gian thanh toán tiền, hạn chế được việc thối tiền nhầm và nếu có nhầm thì cũng dễ dàng kiểm tra trên ứng dụng, tránh tình trạng mất cắp tiền, giúp người bán hàng kiểm soát dễ dàng thu nhập từ việc kinh doanh trong ngày” - ông Châu chia sẻ.

Đại diện nhà mạng và đoàn thanh niên hướng dẫn tiểu thương ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: THIỆN HẢI

Dễ dàng nhận thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế xã hội gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Ở khu vực thành thị, chuyển đổi số đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ thì ở những khu vực nông thôn, chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực. Huyện Trần Đề đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích mà công nghệ số mang lại.

Năm 2023, UBND xã Đại Ân 2 tổ chức ra mắt mô hình thí điểm “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” với khoảng 50 hộ tiểu thương tham gia; UBND thị trấn Lịch Hội Thượng cũng đã triển khai mô hình “Đoạn đường thanh toán không dùng tiền mặt”. Với các mô hình này, tiểu thương và người dân trên địa bàn huyện Trần Đề đã cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh và sử dụng mã QR để thanh toán thay cho tiền mặt, giúp cho việc giao dịch với khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều người áp dụng. Ảnh: THIỆN HẢI

Theo đồng chí Trần Luôn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 2, để thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian qua xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời phối hợp các nhà mạng để vận động, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh phục vụ cho việc xây dựng mô hình Chợ thanh toán không dùng tiền mặt với nền tảng là sử dụng các ứng dụng của VNPT Money, Viettel Money. Mô hình này giúp người dân tiếp xúc với công nghệ số, thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong những giao dịch hằng ngày. Việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang dần trở thành một thói quen. Do đó, việc xây dựng chợ thanh toán không dùng tiền mặt còn nhằm thực hiện tốt Đề án chuyển đổi số của xã trong thời gian tới.

Cách đây vài năm, việc ứng dụng công nghệ số còn ít người dân ở vùng nông thôn biết đến, giờ đây đang dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Từ chính quyền tới người dân, chuyển đổi số đã hiện diện trong nhiều hoạt động và đời sống xã hội. Hiện nay, huyện Trần Đề có 57 tổ công nghệ số cộng đồng với 367 thành viên là lực lượng nòng cốt hướng dẫn người dân, tiểu thương cài đặt và sử dụng các ứng dụng tiện ích trong thanh toán điện tử, sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến, đăng ký và sử dụng ứng dụng VNeID. Ngoài ra, các hộ kinh doanh còn đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiềm năng của địa phương để tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Khi người dân nhận thức rõ ý nghĩa của chuyển đổi số sẽ tích cực tham gia để trở thành công dân số, góp phần xây dựng hiệu quả xã hội số. Đây cũng là một trong 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đang nỗ lực thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

THIỆN HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: