• Chuyển đổi số

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong vùng đồng bào Khmer

12/12/2023 05:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 12/12/2023 | 05:03

STO - Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin đang là xu hướng tất yếu của toàn xã hội. Trong vùng đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng, xu thế này cũng đang được đẩy mạnh để giúp người dân nhanh chóng tiếp cận các tiện ích trong cuộc sống.

Tiện lợi từ việc kích hoạt VNeID

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động người dân đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên điện thoại thông minh. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).

Lợi ích lớn nhất của định danh điện tử là khi sử dụng tài khoản VNeID, người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục, giảm giấy tờ cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Người dân có thể thay thế thẻ căn cước công dân và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…

Là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đã và đang nỗ lực đưa các tiện ích từ công nghệ số đến người dân. Thời gian qua, lực lượng Công an xã Liêu Tú cùng thành viên tổ công nghệ số cộng đồng chú trọng bám sát cơ sở để tuyên truyền đến người dân về tiện ích của ứng dụng VNeID, thực hiện cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Qua đó góp phần vào lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, trên địa bàn xã Liêu Tú đã cấp trên 95% số định danh cá nhân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 được 2.579 trường hợp.

Chị Tăng Thị Sô Banh, ở ấp Bưng Triết chia sẻ: “Được hướng dẫn thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử, tôi mới thấy có rất nhiều thuận lợi đến vậy vì tài khoản định danh tích hợp các giấy tờ tùy thân của cá nhân tôi. Sau này giúp tôi có thể thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần mang nhiều loại giấy tờ”.

Người dân ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) được cán bộ xã và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đến tận nhà hướng dẫn cài đặt VNeID. Ảnh: THIỆN HẢI

Chuyển đổi số không chỉ giúp người dân thuận tiện trong công tác giao dịch hành chính mà còn là giải pháp hiệu quả để chuyển tải, phổ biến các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến đông đảo người dân nói chung và vùng đồng bào Khmer nói riêng. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, giờ đây, UBND xã Liêu Tú dễ dàng thông tin trên các nhóm Zalo, kết nối với nhiều hộ dân ở 5/5 ấp trên địa bàn xã để kịp thời tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Đồng thời lắng nghe thông tin phản hồi từ nhân dân để kịp thời xử lý.

Anh Lâm Chí Thường - công chức Văn hóa - Xã hội của UBND xã Liêu Tú là người quản lý các nhóm Zalo ở các ấp, chia sẻ: “Thông qua các nhóm Zalo của 5 ấp, tôi rất dễ dàng thông tin đến người dân lịch kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thời điểm làm căn cước công dân hoặc các thông báo quan trọng của xã. Người dân cũng rất tích cực cập nhật thông tin để cùng xã thực hiện các phong trào ở địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới”.

Đưa công nghệ số vào cuộc sống

Ngoài việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được người dân ứng dụng rộng rãi, các công trình ứng dụng công nghệ số còn được nhiều đơn vị, người dân thực hiện và đem lại hiệu quả cao.

Với tinh thần tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số, đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa. Trong số đó có nhiều điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer thu hút du khách gần xa đến chiêm bái và tham quan cũng được các cấp bộ đoàn sử dụng mã QR số hóa thông tin từng địa điểm để giúp người dân, cũng như du khách có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận và tìm hiểu thông tin các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ và các điểm chùa.

Tại chùa Peam Buôl Thmây, Phường 4, thành phố Sóc Trăng, công trình “Chuyển đổi số trong thanh niên dân tộc gắn với quảng bá văn hóa, du lịch địa phương” do Đoàn Phường 4 thực hiện đặt tại đây đã góp phần cung cấp chính xác thông tin, hình ảnh về chùa khi du khách dùng điện thoại thông minh quét mã QR. Đại Đức Đinh Hoàng Sự - Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây cho biết, chùa có kiến trúc và cảnh quan đẹp nên thời gian qua thu hút rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Khi công trình “Chuyển đổi số trong thanh niên dân tộc gắn với quảng bá văn hóa, du lịch địa phương” được đặt tại chùa đã giúp nhiều du khách nắm rõ thông tin về lịch sử hình thành, ý nghĩa công trình kiến trúc cũng như các hoạt động an sinh xã hội mà chùa tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện”.

Cán bộ Đoàn Phường 4, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) quét mã QR trên công trình số hóa tại chùa Peam Buôl Thmây. Ảnh: THIỆN HẢI 

Theo đồng chí Thạch Xuân Tùng - Bí thư Đoàn Phường 4, công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 4 năm nay. Thông qua việc sử dụng mã QR để số hóa thông tin bằng cả chữ Việt và chữ Khmer để giúp nhiều người thuận tiện tìm hiểu thông tin hơn khi đến chùa.

Để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi cách làm nhằm tiệm cận hơn với nền nông nghiệp thông minh. Nhiều hộ đã chú trọng và tích cực đầu tư mua thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng điều khiển hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm - tích hợp bón phân, phun thuốc cho cây màu qua sim điện thoại đã được ông Trầm Út ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên thực hiện từ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên.

Với mô hình trên, chỉ bằng chiếc điện thoại, ông Trầm Út có thể điều khiển thiết bị tưới phun sương cho 1.500m2 trồng ớt của gia đình. Sau khi đã lắp đặt hệ thống phun sương bằng ống mềm và bộ điều khiển qua sim điện thoại, chỉ cần 1 cú pháp tin nhắn, hệ thống tích hợp phun sương, bón phân và phun thuốc sẽ được vận hành đồng loạt. Nhờ đó mà lượng nước tưới được giảm 50%, lượng phân bón cũng chỉ dùng 1/2 so với trước. Mô hình này còn giúp cây chịu ít tác động hơn so với việc tưới bằng vòi phun và hạn chế tối đa sâu hại tấn công nên năng suất tăng từ 20 - 30%. Ông Trầm Út chia sẻ: “Lúc trước chưa gắn béc phun sương, tôi kéo vòi tưới mất hết 40 phút, do vòi phun nước mạnh nên làm cây trồng bị dập lá khá nhiều. Khi được Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ cho béc tưới này chỉ cần mất 7 phút là tưới xong, cây trồng cũng phát triển xanh tốt”.

Với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành cùng sự chủ động thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân đã dần bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống. Những kết quả mang lại đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV. Qua đó còn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các địa bàn khác trong tỉnh, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

THIỆN HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: