• Đoàn thể

Công đoàn Sóc Trăng “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển” theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII

11/10/2023 05:06 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/10/2023 | 05:06

STO - Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; nhiều công trình, dự án lớn được triển khai; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư xây dựng, tạo nên một diện mạo mới ở địa phương; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và ngày một nâng lên; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường và phát huy.

Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng của các cấp công đoàn và đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tỉnh nhà.

Thời gian qua, quán triệt quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 02/NQ-TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 16/12/2021 về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị với các chỉ tiêu cụ thể định hướng đến năm 2045 và 6 nhóm giải pháp; trong đó, giao Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, các ban xây dựng Đảng, cấp ủy các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể hóa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ vào kế hoạch hằng năm của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Sau 2 năm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn được nâng lên. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết được cấp ủy, tổ chức công đoàn các cấp triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, nhất là trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Hoạt động công đoàn đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Nhân Tháng Công nhân năm 2023, Công đoàn tỉnh đã tham mưu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri là công nhân lao động, đến thăm nơi ở của công nhân lao động tại khu nhà trọ… để lắng nghe ý kiến về đời sống, việc làm, thu nhập, những mong muốn của người lao động gửi đến Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Hoạt động thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, của tổ chức công đoàn đối với công nhân lao động; tạo sự phấn khởi, động lực rất lớn để đoàn viên, người lao động tiếp tục nỗ lực, lao động tốt hơn, tin tưởng và gắn bó hơn với tổ chức công đoàn.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở giai đoạn 2021 - 2023 và có sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở; tính đến cuối tháng 9/2023, các cấp công đoàn phát triển 15.284 đoàn viên. Quan tâm lãnh đạo thực hiện việc ứng dụng công nghệ vào quản lý đoàn viên, hiện có 51.672 đoàn viên được cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý đoàn viên, đạt 81,02%. Chủ động giới thiệu 1.468 đoàn viên, công nhân lao động ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức mở lớp Lý luận và Nghiệp vụ công tác công đoàn cho 25 cán bộ công đoàn chuyên trách của tỉnh. Các cấp công đoàn tổ chức 30 lớp tập huấn cho 3.112 lượt cán bộ công đoàn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về chất lượng, số lượng.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động nghèo, khó khăn tại Chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” năm 2023.

Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới nội dung, phương thức và biện pháp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, người lao động với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Nổi bật là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động công đoàn”; “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Kết quả có 12.063 đề tài sáng kiến, giải pháp; 18 mô hình; 65 công trình, sản phẩm được đăng ký thực hiện với tổng số vốn gần 553 tỷ đồng; 21.367 nữ công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm 2022, đạt 91%.

Ngoài ra, phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp công đoàn thực hiện hiệu quả. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động

Các cấp công đoàn đã triển khai hiệu quả, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc bảo đảm yêu cầu; bình quân có 85,4% công đoàn cơ sở ngoài nhà nước tổ chức đối thoại, có 367 lượt thỏa ước lao động được sửa đổi, bổ sung đúng quy định của pháp luật và có lợi hơn cho người lao động. Công tác giám sát, phản biện xã hội được công đoàn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các ngành liên quan; qua đó, đã kịp thời kiến nghị với doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến người lao động. Đồng thời, kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phổ biến pháp luật đến người lao động, người sử dụng lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Sóc Trăng trực tiếp đến trao quà cho đoàn viên, công nhân lao động trực đêm 30 Tết năm 2023.

Các chương trình “Tết sum vầy - kết nối yêu thương”, “Tết sum vầy - Xuân gắn kết”, “Chợ Tết Công đoàn”, chương trình “Tháng Công nhân”... tiếp tục được tổ chức với quy mô, sức lan tỏa lớn, là điểm nhấn hoạt động để thu hút đoàn viên, người lao động. Kết quả, trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có 11.386 đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền 4,87 tỷ đồng; 5.710 đoàn viên được thụ hưởng các lợi ích từ chương trình “Chợ Tết công đoàn” thông qua việc bán hàng với giá ưu đãi của các doanh nghiệp và các “phiếu mua hàng 0 đồng” do công đoàn trao tặng... Tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà cho các đoàn viên, nhân viên ngành y tế, công nhân lao động trực và làm việc đêm giao thừa; thăm, động viên công nhân trở lại làm việc sau Tết; thăm đoàn viên công đoàn, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo… Chương trình “Mái ấm công đoàn” được các cấp công đoàn triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao; từ đầu năm 2023 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 37 căn nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở với số tiền 1,64 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, công đoàn đã thể hiện rõ nét chức năng chăm lo, đồng hành, chia sẻ để người lao động, người sử dụng lao động sớm vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch bằng nguồn kinh phí của công đoàn, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ khác. Qua đó, đã hỗ trợ 3.976 trường hợp người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19 với số tiền trên 7 tỷ đồng, 71 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 1 tỷ đồng...; hỗ trợ khẩn cấp cho 2.830 đoàn viên, người lao động là F0, F1; trao 6.116 “túi an sinh công đoàn”, hỗ trợ 1.479 y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch... tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Các hoạt động chăm lo được công đoàn tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhất là giai đoạn phòng, chống dịch, đã tạo được sự đồng thuận cao trong đoàn viên, công nhân lao động và xã hội.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Sóc Trăng và Liên đoàn Lao động tỉnh trao “Túi an sinh công đoàn” cho đoàn viên.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và của tỉnh, với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt việc thực hiện các hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… sẽ mang lại những thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với tổ chức công đoàn. Trong bối cảnh đó, đặt ra cho các cấp công đoàn trong tỉnh cần phải quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống công nhân, viên chức, người lao động, cụ thể:

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, người lao động. Tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động,... Phát triển đa dạng và hiệu quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, các chương trình phúc lợi, các thỏa thuận hợp tác có tính lâu dài, toàn diện.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn, nhất là cấp công đoàn cơ sở, phù hợp với điều kiện làm việc và đời sống của người lao động. Làm tốt vai trò tập hợp công nhân lao động; quan tâm công nhân lao động là đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số; chủ động nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, phản ánh đề xuất với cấp ủy, chính quyền và phối hợp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, có trình độ, tâm huyết, chủ động thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ công đoàn trong tình hình mới. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước với nội dung, phương pháp phù hợp với từng loại hình cơ sở, ngành nghề, đối tượng; lựa chọn những điển hình tiên tiến, những công nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, sản xuất... để kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa trong hệ thống công đoàn và toàn xã hội.

Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của công đoàn tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và tổ chức công đoàn; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động người lao động gây mất an ninh trật tự, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp. Làm tốt công tác giới thiệu đoàn viên công đoàn tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn cho cấp ủy đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp Đảng, trong đó, chú trọng, quan tâm đoàn viên là công nhân trực tiếp lao động, sản xuất.

Năm là, nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với tổ chức công đoàn; cơ quan quản lý nhà nước tích cực phối hợp với công đoàn trong kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn ở địa phương. Tiếp tục tham mưu tổ chức buổi đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh và đoàn viên, người lao động để kịp thời chỉ đạo, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên; chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc, xử lý kịp thời những tình huống đột xuất làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của công nhân lao động.

Sóc Trăng hiện còn dư địa lớn để phát triển các dự án hạ tầng, khu, cụm công nghiệp, năng lượng, hạ tầng thương mại. Hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác sẽ thu hút nguồn lực lao động lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi các cấp công đoàn trong tỉnh phải thực sự “đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển” để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XIII.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: