• Giáo dục

Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên

17/09/2023 09:52 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 17/09/2023 | 09:52

STO - Năm học mới (2023 - 2024) mặc dù các địa phương đã nỗ lực triển khai công tác tuyển dụng giáo viên, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế, khiến các trường, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và kế hoạch dạy học. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Châu Tuấn Hồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng.

Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Phóng viên: Đồng chí cho biết việc chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới và tình trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát lại nhu cầu phát triển thực tế của các trường, điểm trường, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên… Năm học này, nhìn chung nguồn nhân lực trong ngành Giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.

Đối với tỉnh Sóc Trăng hiện nay, số lượng giáo viên toàn ngành được giao: 14.957; số lượng giáo viên theo định mức: 15.333; số lượng giáo viên hiện có 14.001 (trong đó có 209 giáo viên hợp đồng). Số giáo viên còn thiếu so với biên chế giao 956. So với định mức còn thiếu 1.332 giáo viên.

Số lượng giáo viên hiện nay vẫn trong tình trạng thừa thiếu cục bộ: thừa giáo viên cấp trung học cơ sở các bộ môn: Toán, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên các bộ môn: tiếng Anh, Tin học, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ.

Phóng viên: Đã bước vào năm học mới, nhưng nhiều trường mầm non, tiểu học vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên. Trước tình trạng này ngành Giáo dục đã triển khai những biện pháp bảo đảm số lượng giáo viên cho các trường ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, thực hiện sắp xếp quy mô trường lớp một cách hợp lý gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 171/KH-SGDĐT, ngày 30/1/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng về việc sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đến năm học 2020 - 2021, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 494/QĐ-UBND, ngày 27/2/2019 của UBND tỉnh. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; đầu tư cơ sở vật chất; trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Hiện nay, ngành đã triển khai thực hiện một số giải pháp như: thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Phân công giáo viên dạy liên trường. Hợp đồng giáo viên ngắn hạn hoặc thỉnh giảng để dạy học như: thành phố Sóc Trăng, huyện Long Phú, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề.

Một số địa phương đã tuyển dụng giáo viên trong năm 2023 như: huyện Thạnh Trị, thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, công tác điều chuyển giáo viên góp phần giải quyết thực trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ tại các địa phương, đơn vị; đồng thời thực hiện có hiệu quả đối với số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao; thực hiện tốt quy định về định mức biên chế, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển đội ngũ giáo viên ngành giáo dục.

Phóng viên: Thưa đồng chí, về lâu dài, ngành Giáo dục có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại mô hình lớp học một cách hợp lý, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện bồi dưỡng, đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chủ động linh hoạt trong việc bố trí, sử dụng chỉ tiêu biên chế hiện có, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi thay đổi quy mô học sinh giữa các năm học. Xây dựng kế hoạch, kiến nghị UBND tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên được điều chuyển hoặc giáo viên dạy liên trường.

Thực hiện tuyển dụng giáo viên phù hợp với nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

HUỲNH NHƯ (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: