• Giáo dục

Chuyện ở ngôi trường đặc biệt

03/12/2023 04:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 03/12/2023 | 04:35

STO - Lớp học không có nhiều học sinh. Trong phòng học không nhất thiết phải có bảng và phấn, việc dạy và học đều thông qua những con chữ nổi. Có lớp không phát ra âm thanh, giữa thầy và trò trao đổi bằng động tác tay. Và có lớp, thầy cô phải dạy chậm lại, lặp đi lặp lại nhiều lần để các em đều theo kịp bài… Đó là cách mà thầy cô giáo ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng dạy cho học sinh và rèn những kỹ năng cơ bản để các em giao tiếp, học tập, vượt qua khiếm khuyết cơ thể.

Nhìn chung, học sinh của trường không có sự đồng đều về trình độ, độ tuổi nên dẫn đến khó khăn trong quá trình giảng dạy. Thêm vấn đề nữa là gia đình học sinh đa số thuộc hộ nghèo, phần nhiều ở vùng sâu, nên việc liên lạc, kết nối giữa nhà trường và gia đình cũng không được thuận lợi. Việc duy trì sĩ số học sinh của trường cũng không đảm bảo, năm học nào cũng có trường hợp học sinh nghỉ do bệnh hay gia đình không đưa con theo học tiếp. Như năm học 2022 - 2023, đầu năm học trường có 128 học sinh nhưng cuối năm học có 12 em nghỉ học; 115/116 học sinh hoàn thành chương trình lớp học, có 1 em nghỉ học thời gian dài nên không hoàn thành chương trình.

Sự tiến bộ của các em là “quả ngọt” của giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Với những khó khăn trên, lãnh đạo nhà trường tìm nhiều giải pháp khắc phục. Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Minh Tuấn thông tin: “Để đạt được mục tiêu về kết quả giảng dạy và giáo dục đã đề ra, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh ở tất cả các khối lớp. Trong đó, chú trọng rèn kỹ năng cho học sinh chậm phát triển trí tuệ, tăng cường sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giảng dạy học sinh khiếm thính và dạy chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị. Đối với giáo viên, nhà trường tạo mọi điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Trường cũng đã đưa 16/24 giáo viên bồi dưỡng chuyên môn ở Thành phố Hồ Chí Minh, kinh phí từ nguồn Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý. Nhờ vậy mà năm học 2023 - 2024, ngoài 13 lớp khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển, trường mở thêm được 2 lớp can thiệp sớm, có 12 trẻ từ 2 - 5 tuổi theo học”.

Bên cạnh đó, nhà trường vận động các nguồn hỗ trợ sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị. Năm học trước, Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng cho trường mượn sách chữ nổi lớp 1. Năm học này, trường nhận được sự hỗ trợ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam sách chữ nổi lớp 1 và lớp 2. Hiện trường in thêm sách chữ nổi lớp 3 cho các em học Toán, tiếng Việt. Biết và nắm hoàn cảnh từng học sinh, nhà trường cũng đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân thường xuyên đến thăm, tặng quà, học bổng cho học sinh trong dịp lễ, Tết, giảm bớt phần nào khó khăn cho học sinh. Giáo viên, nhà trường thông qua nhiều phương thức trao đổi với phụ huynh để theo sát học sinh; vận động để phụ huynh không vì hoàn cảnh mà cho con nghỉ học.

Cô Trần Thị Thanh Trúc - Tổ trưởng Tổ 2 (học sinh khiếm thính) đã gắn bó với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh 21 năm qua. Được nhà trường tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, học ngôn ngữ ký hiệu, cộng với tình yêu nghề, cô Trúc đã đồng hành với các em học sinh khiếm thính “xóa bỏ” ranh giới khiếm khuyết cơ thể.

Theo cô Trúc, mỗi em có cách dạy khác nhau, không em nào giống em nào. Khi đứng cạnh cậu học trò “hiếu động” nhất lớp, cô kể: “Em này bị 2 khuyết tật. Ngày mới vô, em không chú ý học, có lúc tự cắt tay, làm mình bị thương. Nhưng vào trường, được các cô dạy dỗ, chăm sóc, em rất “hợp tác”, ngoan hơn”. Đưa tay qua học sinh kế bên, cô tiếp lời: “Em này ở nhà cha mẹ nuông, hay chơi game, nên có thời gian “bơ” chuyện học. Mà em cũng ham học nên xin cha mẹ vào trường học tiếp. Giờ em học giỏi toán lắm”. Và cô Trúc rất vui khi có nhiều học sinh ra trường, vào dịp lễ đến trường thăm thầy cô. Nhiều em chia sẻ niềm vui có gia đình riêng, công việc ổn định.

Em Võ Trần Tường Vy (11 tuổi), học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh khoe với tôi: “Con học ở trường 6 năm rồi. Cô dạy con biết đọc chữ nổi, biết viết, làm toán. Con thấy con giỏi toán nên mê ngành kế toán; học máy vi tính. Cô dạy con dễ hiểu lắm. Không chỉ học kiến thức, con còn được dạy một số kỹ năng tự chăm sóc bản thân mình, xác định phương hướng”. Như minh chứng điều mới nói, Tường Vy nhanh chân di chuyển từ bàn này sang bàn kia mà không cần sự trợ giúp của ai.

Cô Châu Thị Lụa, giáo viên dạy lớp khiếm thị, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh chia sẻ: “30 năm dạy ở trường này, tôi xem các em học sinh như người thân của mình. Với học sinh khiếm thị, các em học nhờ vào sờ, cảm nhận nên tôi chuẩn bị dụng cụ để các em chạm vào. Em nào không học được thì tìm cách cho em học tốt hơn”. Theo cô Lụa, cần nhất là sự đồng cảm và kiên trì với từng học sinh, và sự tiến bộ của các em là “quả ngọt” của sự cố gắng.

Đi đến nhà ăn của trường, một số học sinh nhìn thấy tôi, cất tiếng “em chào cô”. Còn đến lớp học, các em đứng dậy chào rất lễ phép. Như giáo viên của trường đánh giá, đa số học sinh của trường rất ngoan. Tuy có một số trường hợp “không tập trung” nhưng được thầy cô theo sát nên có sự thay đổi. Và ở ngôi trường này luôn có sự quan tâm, chăm lo của thầy cô với mong muốn các em sẽ tiến bộ, chăm học, vượt lên khiếm khuyết cơ thể.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: