• Giáo dục

Để những giờ học Lịch sử luôn hào hứng và thú vị

20/05/2024 04:36 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/05/2024 | 04:36

STO - Môn Lịch sử có vai trò quan trọng đối với việc trang bị cho học sinh những kiến thức về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Vì vậy, những năm qua bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng rất chú trọng việc dạy và học môn Lịch sử. Qua đó, giúp hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước và tinh thần đoàn kết quốc tế cho học sinh…

Lịch sử là nền tảng!

Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình GDPT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung gồm: Điều chỉnh một số nội dung trong chương trình tổng thể và chương trình GDPT môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông (THPT) bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”. Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của Chương trình GDPT 2018.

Học sinh luôn hứng thú với những giờ học Lịch sử. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Như vậy, môn học Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc đối với cấp THPT. Thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm) và chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm (theo Thông tư số 32/2018).

Đánh giá về sự đón nhận của học sinh đối với môn Lịch sử hiện nay, một số giáo viên giảng dạy môn này cho rằng, vẫn còn một số ít học sinh chưa thật sự yêu thích môn học này. Bởi các em thường nghĩ môn Lịch sử không dễ học bài, cần ghi chép nhiều và ghi phải nhớ kiến thức. Hoặc một số lại cho rằng môn Lịch sử vẫn là môn học khô khan, chưa hấp dẫn và thiếu sinh động…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đó, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh nhà luôn có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ, mở các đợt tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng… Qua đó, mỗi giáo viên tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp và đặc biệt phát huy tính tích cực, chủ động, khơi dậy niềm đam mê của học sinh trong học tập môn Lịch sử.

Cô Phan Thị Tuyết - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Theo tôi, một người giáo viên giỏi của môn Lịch sử, không nhất thiết phải là người làm nên những điều gì đó to lớn, vĩ đại mà trước hết phải là người có khả năng truyền cảm hứng, lôi cuốn học sinh vào niềm say mê học tập bộ môn. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Vì vậy, truyền cảm hứng học tập là một việc làm có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn giáo dục đang yêu cầu đổi mới như hiện nay”.

Đổi mới và những kết quả bước đầu khả quan

Việc đổi mới, vận dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển năng lực học sinh là một việc làm thiết thực, ý nghĩa. Vì vậy, mỗi giáo viên cần vận dụng và phát huy hiệu quả năng lực của mình phù hợp với các điều kiện cụ thể ở đơn vị mình để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo, giúp học sinh nắm chắc được vấn đề cơ bản, hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục nhân cách và rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh. Song, trên hết và trước hết vẫn phải là người thầy, người cô giàu lòng nhiệt huyết.

 Môn Lịch sử còn được kết nối với các môn học khác như: Ngữ văn, Địa lý, Kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật… Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Cô Nguyễn Thúy Hiền - giáo viên Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị) cho biết, trong giờ dạy, bản thân luôn kết hợp các kỹ năng: hỏi - đáp, quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận xét và đúc kết, sử dụng các phương tiện và thiết bị dạy học. Tổ chức cho các em làm việc theo nhóm để phát huy tính tích cực, hiệu quả học tập. Liên hệ thực tế giáo dục học sinh, gắn học đi đôi với hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn nội dung của bài học. Đồng thời, thông qua nội dung rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng cho cuộc sống. Không những vậy, giáo viên còn kết nối môn Lịch sử với các môn học khác như: Ngữ văn, Địa lý, Kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật… Đồng thời, thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá: Không đánh giá học sinh qua ghi nhớ kiến thức mà đánh giá bằng cả quá trình học tập, cho học sinh tự đánh giá bản thân, kiểm tra đánh giá phải trung thực và khách quan. Hình thức kiểm tra đánh giá luôn đa dạng và phong phú.

Hằng năm, Trường THPT Trần Văn Bảy đều có học sinh đạt giải học sinh giỏi môn Lịch sử qua các kỳ thi. Riêng năm học 2023 - 2024 này, trường có 1 học sinh là em Trần Bích Liên, đã đạt giải nhì môn Lịch sử tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT. Em Trần Bích Liên cho biết: “Từ nhỏ được đọc những quyển sách liên quan đến lịch sử, con cảm thấy rất thích thú. Rồi trong quá trình học tập được thầy cô truyền đạt bằng nhiều phương pháp, giúp con tìm hiểu sâu vào các sự kiện lịch sử, con càng thích thú hơn với môn học này”.

Còn tại Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, những năm qua, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với môn học Lịch sử, giáo viên ngoài việc sử dụng phương pháp trực quan: sử dụng bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, phương tiện nghe nhìn… còn tổ chức cho các em học theo nhóm, thảo luận nhóm. Thông qua trao đổi trong tập thể nhóm, các ý kiến, kinh nghiệm, thái độ của mỗi cá nhân được bộc lộ, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tương trợ hợp tác trong học tập. Bên cạnh đó, giáo viên còn tăng cường sử dụng phương tiện và công nghệ thông tin hợp lý để hỗ trợ dạy học. Cô Phan Thị Tuyết cho biết thêm: Khi củng cố bài học hay chủ đề, tôi thường thiết kế trò chơi “Ô chữ bí mật”, cuộc thi “Rung chuông vàng”, “Đường lên đỉnh Olympia”… Đồng thời, tổ chức cho học sinh “Hóa trang nhân vật lịch sử”. Mỗi màn hóa thân sẽ được cho điểm cộng hoặc lấy làm một cột kiểm tra thường xuyên”.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học Lịch sử. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Em Huỳnh Huệ Ân - học sinh lớp 10 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai phấn khởi nói: “Dù học chuyên Toán nhưng con rất yêu thích môn Lịch sử, nó là những bài học rất bổ ích, giúp thế hệ trẻ tự hào hơn về dân tộc của mình. Cách học của con theo lối sơ đồ tư duy, được sắp xếp một cách hợp lý, hệ thống và khắc sâu kiến thức. Đồng thời, thầy cô cho tái hiện lại các nhân vật lịch sử; tụi con được vào vai Hai Bà Trưng, công chúa rất hào hứng và thú vị. Cô còn mở rộng thêm kiến thức ngoài sách giáo khoa, sưu tầm các video về lịch sử”.

Chính những giáo viên giàu tâm huyết, luôn trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học các bộ môn nói chung, trong đó có môn Lịch sử nói riêng. Và kết quả đáng phấn khởi khi năm học này, tỉnh có 6 học sinh đạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT đối với môn Lịch sử (trong đó 2 giải nhì, 3 giải ba, 1 giải khuyến khích). Tuy còn khiêm tốn so với kết quả chung của khu vực và cả nước nhưng có thể xem đây là tín hiệu vui cho hành trình sau này. Đáng nói hơn, niềm vui không chỉ dừng lại ở thành tích mà hơn thế nữa đó chính là việc truyền cảm hứng về môn học Lịch sử cho những thế hệ tiếp theo.

XUÂN HƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: