Chờ phán quyết cuối cùng

02/04/2024 04:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 02/04/2024 | 04:04

STO - Ngày 26/3/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ về việc áp thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ 4 quốc gia: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Như vậy, sau thuế chống bán phá giá, tôm nước ấm của Việt Nam tiếp tục đối mặt với một thuế suất mới. Tuy nhiên, thuế suất này có trở thành chính thức hay bị hủy bỏ còn tùy thuộc vào kết luận cuối cùng của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (ITC) rằng việc xuất khẩu tôm Việt Nam có gây phương hại đến ngành công nghiệp tôm của Hoa Kỳ hay không.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu tôm Việt Nam (VASEP), Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ ngay từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2024 với mức thuế suất dao động từ dưới 2% đến tối đa 196% sau khi DOC công bố lên Công báo liên bang (Federal Register). Riêng Indonesia, nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho Mỹ, nhận được quyết định sơ bộ không có trợ cấp. Theo DOC, 4 quốc gia là mục tiêu điều tra chiếm 90% tổng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ với khoảng 709.804 tấn và gần 5,6 tỷ USD (chiếm 87% về giá trị) trong tổng giá trị tôm được nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2023. Trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 296.243 tấn, giảm 2%, Ecuador xuất khẩu 205.684 tấn, tăng 3%, Indonesia xuất khẩu 146.258 tấn, giảm 12% và Việt Nam xuất khẩu 61.516 tấn, giảm 13%.

Khó sẽ chồng khó cho ngành tôm cả nước nếu phán quyết cuối cùng của ITC giữ nguyên theo quyết định sơ bộ của DOC. Ảnh: TÍCH CHU

Theo đó, ngay sau khi quyết định sơ bộ này được DOC công bố chính thức, các nhà nhập khẩu tôm của các công ty đến từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ phải đặt cọc thuế sơ bộ theo quyết định của DOC. Hay nói cách khác, các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với mức chi phí cho phần lớn thời gian còn lại của năm do quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024. Số thuế đặt cọc này sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng các nước trên không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Hoa Kỳ.

Nhìn vào biểu thuế suất CVD sơ bộ theo quyết định trên, có thể thấy Ecuador là quốc gia có mức thuế suất chung cao nhất với 7,55%, chỉ có 1 doanh nghiệp hưởng mức thuế 1,69% và 1 doanh nghiệp có mức thuế cao nhất lên đến 13,41%. Quốc gia có mức thuế chung cao thứ hai là Ấn Độ với 4,36%, cùng 1 doanh nghiệp có mức thuế cao nhất cũng chỉ 4,72% và 1 doanh nghiệp có mức thuế thấp nhất là 3,89%. Riêng Việt Nam, chỉ có 1 doanh nghiệp bị áp mức thuế rất cao lên đến 196,41%, còn lại có mức thuế chung là 2,84%. Được biết, trong khi chờ điều tra đầy đủ, DOC đã bắt đầu triệu tập danh sách các nhà xuất khẩu và những người đề xuất áp dụng mức thuế mà họ đã xác định rằng có khả năng ba quốc gia trên đang hỗ trợ các chương trình trợ cấp cho phép họ đưa ra mức giá thấp giả tại thị trường Hoa Kỳ, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Quyết định sơ bộ trên liệu có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ nay đến cuối năm 2024 hay không thực sự là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là tại các tỉnh khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn được mệnh danh là thủ phủ tôm của cả nước. Trao đổi với người viết về băn khoăn trên, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, quyết định mức thuế sơ bộ do DOC đưa ra chưa nói lên được điều gì bởi nó có thể được ITC phán quyết hủy bỏ như đã từng diễn ra ở vụ kiện vào năm 2015 nếu được chứng minh không gây phương hại nền công nghiệp tôm Hoa Kỳ. Theo ông Lực, hiện nay việc xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ vẫn diễn ra bình thường mà không hề bị tác động nào từ quyết định sơ bộ trên.

Tuy nhiên, qua theo dõi các vụ kiện chống bán phá giá tôm trong thời gian qua, người viết vẫn không khỏi lo lắng, bởi kết quả phán quyết cuối cùng của các vụ kiện từ ITC phần lớn đều giữ nguyên theo quyết định sơ bộ, hoặc tăng giảm đôi chút chứ ít khi hủy bỏ hoàn toàn kết quả của quyết định sơ bộ. Do đó, để có được phán quyết cuối cùng có lợi nhất từ ITC là chúng ta phải chứng minh được, các chương trình trợ cấp từ Chính phủ, bộ, ngành, địa phương (nếu có) cho ngành tôm thời gian qua là không giúp doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra mức giá thấp giả tại thị trường Hoa Kỳ, và không gây phương hại đến nền công nghiệp tôm Hoa Kỳ.

Năm nay, mọi dự báo đều cho thấy sẽ lại là một năm rất khó khăn đối với ngành tôm, nên từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành với không ít những giải pháp vừa mang tính ngắn hạn vừa tạo tiền đề cho dài hạn. Từ nay đến ngày ITC ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm vẫn còn dài nên các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm đang rất kỳ vọng mức thuế trên sẽ được ITC hủy bỏ khi chứng minh được việc xuất khẩu tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ không gây phương hại đến nền công nghiệp tôm nước này và không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: