Không dễ bứt phá

12/03/2024 04:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 12/03/2024 | 04:01

STO - Sau 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 750 triệu USD. Kết quả trên tuy không cao nhưng cũng đáng khích lệ, bởi theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khó khăn của ngành tôm chẳng những chưa qua, mà còn có thể kéo dài đến hết quý II/2024. Do đó, để vượt qua những bất ổn đến từ nội tại lẫn bên ngoài, đưa ngành tôm về đích theo đúng mục tiêu đề ra, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa của tất cả các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm.

Tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm năm 2024” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào ngày 23/2 vừa qua, các đại biểu đều có chung nhận định, lĩnh vực nuôi tôm chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhưng cũng là mắt xích yếu nhất trong chuỗi giá trị toàn ngành. Điểm yếu của lĩnh vực nuôi tôm không chỉ đến từ quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao hay tỷ lệ nuôi thành công thấp (bình quân chỉ trên 40%), mà còn đến từ việc thiếu vốn để cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mô hình.

Ngành tôm không dễ bứt phá khi tỷ lệ nuôi thành công còn thấp và giá thành tôm nuôi cao. Ảnh: TÍCH CHU

Những điểm yếu trên đã đẩy giá thành tôm nuôi lên mức cao, làm cho sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam bị giảm sút trên thị trường thế giới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trăn trở: “Giá thành sản xuất tôm ở nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước ngoài, nguyên nhân tỷ lệ nuôi thành công thấp còn do chi phí thức ăn, con giống cao vì phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng vùng nuôi (thủy lợi, điện, giao thông…) chưa đảm bảo và nhất là đa số nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn sản xuất cũng làm cho tỷ lệ nuôi thành công thấp và giá thành cao”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng, điều quan trọng nhất hiện nay là tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi. Thực tế cho thấy, trong khi mắt xích chế biến, xuất khẩu đã vươn tầm đẳng cấp thế giới thì mắt xích nuôi tôm vẫn chưa thoát khỏi thực trạng tỷ lệ thành công thấp, giá thành cao. Theo ông Sử, giá thành đang là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp khắc phục, ngành tôm sẽ còn tiếp tục đối mặt khó khăn không chỉ trong năm 2024 mà còn ở những năm tiếp theo.

Ông Sử cho rằng, đóng góp lớn vào việc giảm giá thành nằm ở khâu tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật. “Liên kết chuỗi chỉ là một phần, quan trọng và cấp bách nhất hiện nay vẫn là kỹ thuật nuôi, vì nếu để tỷ lệ thành công thấp như hiện nay thì đừng mong nói đến việc giảm chi phí. Vì vậy, cơ quan chuyên môn, các viện, trường cần tập trung hỗ trợ địa phương sớm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho các mô hình nuôi, giảm tỷ lệ rủi ro, đặc biệt cho mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh” - ông Sử đề nghị.

Theo bà Trần Thụy Quế Phương - Chánh Văn phòng VASEP, các yếu tố tiêu cực của năm 2023 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngành tôm trong năm 2024 và cùng với đó là các khó khăn mới phát sinh sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra cho ngành tôm trong năm 2024, nên VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2024 chỉ tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái. Cũng theo bà Phương, bước sang năm 2024, tuy kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm. Chiến tranh Nga - Ukraine vẫn kéo dài, xung đột Israel - Hamas khiến cước vận tải biển tăng. Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh, trong đó có tôm Việt Nam, ít nhiều cũng sẽ tác động đến giá tôm xuất khẩu. Sự cạnh tranh về giá và nguồn cung với Ecuador, Ấn Độ sẽ còn khốc liệt hơn, trong khi tồn kho còn nhiều nên giá tôm thế giới dự báo chưa thể phục hồi nhanh… Tất cả đã, đang và sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra cho ngành tôm trong năm 2024.

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành tôm trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thủy sản tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định.

Các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng nuôi. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.

Về phía Hiệp hội ngành hàng, cần quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật... Doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: