Luận đàm chuyện thấp cao

10/02/2024 04:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 10/02/2024 | 04:02

STO - Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm năm nay đều tăng so với cùng kỳ. Còn trên bình diện chung của cả nước, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, sản lượng tôm dự kiến trên 1,1 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành tôm vẫn chưa thể vui khi mà tỷ lệ nuôi thành công vẫn thấp, giá thành vẫn còn cao, doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn chưa hết khó.

Chuyện tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, giá thành cao đã được nhiều người nói tới. Các nguyên nhân cũng được các chuyên gia, nhà khoa học và ngay cả bản thân người nuôi tôm nhìn nhận, như: con giống đảm bảo chất lượng chỉ mới đạt 50%; giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao; dịch bệnh làm tôm thiệt hại hay chậm lớn; hệ thống cấp, thoát nước cho vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh… Theo báo cáo của Cục Thủy sản, trong khi tỷ lệ thành công của Ecuador lên đến 80%, Ấn Độ và Indonesia khoảng 60% thì con số này của Việt Nam chỉ khoảng 40% trở lại. Chính điều này, cùng với các nguyên nhân trên đã đẩy giá thành tôm nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước từ 1 - 2 USD/kg.

May mắn là ngành tôm vẫn còn đó lợi thế về sản phẩm chế biến sâu, thâm nhập được vào phân khúc thị trường cao cấp, giá bán cao nên có điều kiện chia sẻ với người nuôi, giúp ngành tôm duy trì đà phát triển trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), đó là sự tăng trưởng nghịch lý và nếu chúng ta không sớm khắc phục, con tôm Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với tôm các nước. Lời cảnh báo trên đã thành hiện thực trong năm 2023, khi con tôm Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ tại một số thị trường lớn, khiến giá tôm trong nước lẫn xuất khẩu đều giảm mạnh, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều gặp khó.

Các doanh nghiệp nỗ lực phát huy lợi thế tôm chế biến sâu để thâm nhập phân khúc thị trường cao cấp có giá cao nhằm chia sẻ giá mua tôm nguyên liệu với người nuôi. Ảnh: TÍCH CHU

Đánh giá về vụ tôm năm 2023, ông Phục cho rằng, vụ tôm 2023 ở Sóc Trăng nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung là khá thành công, nhưng chủ yếu tập trung ở một số người nuôi có kinh nghiệm và một số trang trại có điều kiện, giải pháp tốt, còn lại cũng có một tỷ lệ không nhỏ bị thất bại. Thất bại ở đây có 2 dạng: thứ nhất là tôm nuôi bị thiệt hại và thứ hai là có sản lượng nhưng do giá thấp, bị thua lỗ. Chia sẻ thêm về mô hình nuôi hiệu quả, ông Phục cho biết, qua cải tiến, hiện mô hình nuôi tôm của Vinacleanfood có tỷ lệ thành công trong vụ thuận trên 90%, cao nhất đến 98%, còn vụ nghịch, hiện cũng đã có giải pháp phòng bệnh EHP hiệu quả nên tỷ lệ thành công trong năm 2023 là khá cao. Điều này đã giúp ông Phục tự tin tuyên bố có thể nuôi tôm với giá thành không hề thua kém Ecuador, nên chuyện cạnh tranh với tôm giá rẻ của quốc gia này không có gì là đáng sợ cả, nếu chúng ta đảm bảo được nguồn con giống chất lượng tốt và sạch bệnh.

Cùng có niềm tin như ông Phục, tại Festival tôm Cà Mau mới đây, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tuyên bố, với mô hình MPBio 124 do Minh Phú phối hợp các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm thành công trên diện tích lớn, tại nhiều vùng nuôi khác nhau có thể nuôi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg với giá thành chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, tức tương đương với giá thành của Ecuador. Ông Quang cũng thẳng thắn thừa nhận, chặng đường ngành tôm phía trước còn gian nan, vất vả, nhưng vẫn tự tin trong thời gian tới chắc chắn giá thành nuôi tôm sẽ thấp hơn Ecuador và Việt Nam sẽ trở thành cường quốc chế biến tôm trên thế giới khi có được sự chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, sự hợp tác của hộ dân.

Các mô hình nuôi tôm hiệu quả là khá nhiều, vấn đề là người nuôi cần chọn lựa mô hình phù hợp với điều kiện của mình để mang lại thành công cao nhất. Ảnh: TÍCH CHU

Như vậy, về cơ bản có thể thấy, hiện chúng ta vẫn có khá nhiều mô hình nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công cao và có giá thành hạ. Đó là các mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh bằng ao lót bạt do các doanh nghiệp chuyển giao cùng các biến thể của nó đã và đang được các trang trại, doanh nghiệp, hộ nuôi ứng dụng. Rõ ràng, chúng ta không thiếu mô hình nuôi hiệu quả, nhưng nói như Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, vấn đề là người nuôi nên biết lắng nghe, học hỏi và tùy tình hình mà có sự vận dụng hợp lý vào khu nuôi của mình vì không có một mô hình nào hoàn thiện cho tất cả. Còn nói một cách dân dã hơn như ông Hồ Quốc Lực thì: “Người nuôi cần quan tâm đến chuyện ăn chắc, mặc bền, chỉ tổ chức nuôi trong phạm vi khả năng tài chính và kỹ thuật của mình cho phép”.

Không chỉ có mô hình nuôi hiệu quả mà theo báo cáo từ các trang trại nuôi thành công vẫn còn rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất giúp người nuôi có thể tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận. Đơn cử như việc tiết kiệm điện thông qua cách đầu tư, bố trí hệ thống ôxy hợp lý và không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh là người nuôi có thể tiết kiệm hơn 10.000 đồng/kg tôm thương phẩm. Ngoài ra, nếu người nuôi sử dụng vật tư đầu vào phù hợp, có hiệu quả, như: không diệt khuẩn định kỳ, không bổ sung khoáng như cách làm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và giải pháp tổng hợp từ khâu dự trữ, xử lý nước, tầm soát dịch bệnh để phòng bệnh EHP của Vinacleanfood thì con số tiết kiệm chắc chắn sẽ còn lớn hơn nữa.

Trong bối cảnh cạnh tranh và biến đổi khí hậu ngày càng khó lường thì khó khăn, thách thức đối với ngành tôm là điều không thể tránh khỏi. Do đó, theo Cục trưởng Trần Đình Luân, vấn đề cần làm ngay là tổ chức lại sản xuất để hạn chế tình trạng nhỏ lẻ nhằm tăng kết nối tốt hơn giữa người nuôi với các nhà cung cấp giống, thức ăn, hoặc chuyển giao kỹ thuật, chế biến xuất khẩu… đảm bảo người nuôi tiếp cận tốt hơn với các nguồn cung cấp đầu vào, khoa học công nghệ và thông tin thị trường. Các địa phương phải rà soát, cấp mã số cơ sở nuôi tôm, qua đó hình thành nên những chuỗi nhằm khẳng định với các nhà nhập khẩu rằng nguồn gốc sản phẩm của chúng ta rõ ràng, minh bạch và phù hợp với yêu cầu các nước để giúp nâng cao vị thế con tôm của chúng ta trên thị trường.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: