Tâm thế sẵn sàng

20/02/2024 04:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 20/02/2024 | 04:30

STO - Bước sang năm 2024, bên cạnh những khó khăn chuyển tiếp từ năm 2023, ngành tôm được dự báo tiếp tục phải đối mặt với những căng thẳng mới, đầy phức tạp, mà một trong số đó là tình hình căng thẳng khu vực Biển Đỏ và vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm tại thị trường Mỹ với nhiều cáo buộc phức tạp.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, bước sang năm 2024, trong khi tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu lạc quan; ngành tôm tiếp tục cạnh tranh nguyên liệu do một số nước bán tôm giá rẻ thì những khó khăn mới cũng bắt đầu lộ diện ngày một rõ ràng hơn. Đó là sự xuất hiện của bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD), có tỷ lệ chết cao trên tôm giống làm dấy lên lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn giống chất lượng khi bước vào thời điểm thả nuôi rộ. Đó còn là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra tất cả 40 chương trình từ vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Đó còn là tình hình căng thẳng khu vực Biển Đỏ đã đẩy giá cước vận tải biển tăng lên vài ngàn đô la Mỹ trên mỗi container, cùng mối quan ngại thiếu hụt container rỗng như đã từng xảy ra trong đợt dịch Covid-19 vừa qua…

Phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ cao phù hợp với phương thức và điều kiện thực tế của người nuôi để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Ảnh: TÍCH CHU

Liên quan đến vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm tại thị trường Mỹ, bên cạnh Việt Nam còn có một số nước xuất khẩu tôm lớn khác, nhưng Việt Nam là nước có đến 40 chương trình bị điều tra, nhiều nhất so với các nước khác, như: Ecuador 15 chương trình, Ấn Độ 19 chương trình, Indonesia 15 chương trình. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam, nên kết quả cuối cùng của vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp được lựa chọn để điều tra, mà còn ảnh hưởng tới toàn ngành tôm Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ. Vì vậy, nếu không có sự can thiệp và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của vụ kiện thì ngành tôm Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với vấn đề cạnh tranh với tôm giá rẻ từ các nước, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm Việt Nam đang cạnh tranh được một phần nhờ thị phần hàng giá trị gia tăng, nhưng ba năm nữa các nước khác cũng làm được hàng giá trị gia tăng. Do đó nếu hàng giá trị gia tăng đứng im, Việt Nam không có sự thay đổi về chế biến sâu, giảm giá thành thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dù có lợi thế về chế biến sâu, nhưng do giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đang cao hơn so với các nước nên việc cạnh tranh về giá bán với các cường quốc xuất khẩu tôm thời gian qua ít nhiều đã gặp khó. Do đó, nếu tôm Việt Nam bị áp thêm thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ với mức cao thì khó khăn cho ngành tôm trong năm 2024 sẽ là không nhỏ.

Các doanh nghiệp ngày càng thích ứng tốt hơn trước biến động thị trường để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Ảnh: TÍCH CHU

Chia sẻ về sách lược và giải pháp trong năm 2024 và những năm về sau, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong bối cảnh hiện nay thì một sự chuẩn bị với tâm thế thận trọng là điều rất nên làm cho mỗi doanh nghiệp. Trong đó, một số điểm nhấn cần nhận diện và thực thi là: nhận thức, sự thích ứng, tính linh hoạt… Theo ông Lực, chúng ta nên kích hoạt các đầu mối tiếp nhận các nguồn thông tin để sàng lọc và xử lý thành những tín hiệu có ích cho mình, bởi trong môi trường kinh doanh đầu tư, lịch sử cho thấy nhiều cơ hội lớn xuất hiện khi thị trường rơi vào trạng thái kiệt quệ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần chú ý để tìm ra điểm cân bằng, điểm dừng để từ đó hướng đến sự hài hòa giữa các mục tiêu và nhận diện thời cơ, cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có những kịch bản để thích ứng cho nhiều tình huống xảy ra và kèm theo đó là sự linh hoạt, kịp thời nắm bắt cơ hội ngay khi thoát khỏi vòng xoáy rủi ro.

Trước những khó khăn đã được dự báo, trong kế hoạch sản xuất năm 2024, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề ra mục tiêu phấn đấu cơ bản giữ ổn định về diện tích sản xuất so với ước thực hiện năm 2023, tức tương đương 737.000ha, còn sản lượng dự kiến tăng lên 1,2 triệu tấn, trong đó, tôm sú đạt 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 765.000 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, theo TS. Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, cục sẽ tăng cường những giải pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng vật tư đầu vào (con giống, thuốc, thức ăn…); triển khai mạnh các giải pháp giúp giảm tối ưu chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận cho người nuôi và nhận diện nguồn phát thải trong từng khâu của chuỗi giá trị ngành tôm để có kế hoạch triển khai, giải pháp nhằm giảm phát thải, từng bước đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn xanh hay phúc lợi động vật thủy sản.

Năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành tôm, do đó, để đạt được kỳ vọng bứt phá, ngành tôm rất cần sự chung tay của các bên. Vì vậy, theo Cục trưởng Trần Đình Luân, ngành tôm cần tập trung phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi, từng điều kiện thực tế của người nuôi. Các địa phương cần chú trọng công tác tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác để thuận lợi trong việc tạo liên kết chuỗi và thực hành sản xuất theo các chứng nhận của thị trường. Đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái, hữu cơ, cần chú trọng đưa khoa học kỹ thuật vào nhằm tăng năng suất và hiệu quả cho người nuôi.

Tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm đã sẵn sàng tâm thế từ rất sớm để có thể biến khó khăn, thách thức đã được dự báo thành cơ hội, thành kết quả tốt nhất như mục tiêu kỳ vọng đã đề ra trong năm 2024.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: