• Ngân hàng chính sách xã hội

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng:

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh

29/03/2024 05:55 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 29/03/2024 | 05:55

STO - Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với nhiều giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng và nhiệm vụ được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách; thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo an sinh xã hội.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được của đơn vị trong thời gian qua; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong quá trình hoạt động thì đơn vị nhận được sự quan tâm như thế nào từ cấp ủy, chính quyền địa phương?

Đồng chí Trịnh Bích Tuyền: Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương như đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn mới: thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả, trong năm 2023, nguồn vốn địa phương ủy thác bổ sung qua NHCSXH 53,5 tỷ đồng, vượt 168% kế hoạch, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 192 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh ủy thác 30 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác 23,5 tỷ đồng; có tất cả 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố đã cân đối vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH.

Phóng viên: Để giúp cho người lao động có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì tỉnh đã triển khai chính sách gì?

Đồng chí Trịnh Bích Tuyền: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 Quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh. Theo đó quy định mở rộng thị trường và nâng mức cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và du học sinh vừa học vừa làm tối đa bằng 100% chi phí nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/người. Từ khi triển khai nghị quyết mới này đến nay đã có 23 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 51 lượt học sinh, sinh viên đi du học ở nước ngoài được vay vốn với số tiền 7,1 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn địa phương ủy thác, trong năm qua, với sự quan tâm của NHCSXH Việt Nam, chi nhánh đã được giao nguồn vốn tăng trưởng tín dụng hơn 726 tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng 18% so với năm 2022), đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11-NQ-CP tăng trưởng 364 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn chủ động, tích cực tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách được giao, tập trung huy động vốn, chủ động giải ngân cho vay phục vụ mục tiêu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng ổn định.

Phóng viên: Đến nay, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt được kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Bích Tuyền: Đến cuối năm 2023, nguồn vốn tín dụng đạt trên 5.100 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tại chi nhánh đạt 5.154 tỷ đồng, tăng 707 tỷ đồng so với năm 2022, với trên 157.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng khẳng định và phát huy hiệu quả to lớn; vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 43.000 lượt hộ; giúp hơn 560 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi trả chi phí học tập; giúp hơn 1.400 hộ nghèo và 3.500 hộ cận nghèo, 10.500 hộ mới thoát nghèo và hơn 3.400 hộ có vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, xây mới và sửa chữa hơn 12.800 công trình nước sạch và 12.000 công trình vệ sinh, đặc biệt đã có hơn 150 hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở từ chương trình nhà ở xã hội và 33 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội.

Phóng viên: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Đồng chí Trịnh Bích Tuyền: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thực hiện chương trình đạt 3.864 tỷ đồng, chiếm 68% tổng dư nợ; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh); giải quyết nhu cầu căn bản, thiết yếu của đời sống người dân khu vực nông thôn như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 2.464 tỷ đồng, chiếm 47,63% tổng dư nợ.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: dư nợ đạt 1.434 tỷ đồng, chiếm 28%/tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ dân tộc thiểu số theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 56 tỷ đồng.

Phóng viên: Với những kết quả đã đạt được thời gian qua thì đơn vị đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như thế nào?

Đồng chí Trịnh Bích Tuyền: Đơn vị đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân. Phấn đấu nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tối thiểu 10% so với năm 2020; 100% các huyện, thị xã, thành phố có chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên; 90% xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng đạt từ khá, tốt trở lên; tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá đạt trên 90%.

Về giải pháp thì đơn vị sẽ tích cực  tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, năm 2024 ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh với số tiền 125 tỷ đồng (cấp huyện là 28 tỷ đồng, cấp tỉnh là 97 tỷ đồng) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần triển khai các nghị quyết đặc thù về chương trình mục tiêu quốc gia. Tranh thủ nguồn vốn từ NHCSXH đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 12% (tương đương 600 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân kịp thời đến khách hàng vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: