• Ngân hàng chính sách xã hội

Những kết quả ghi nhận từ hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách

22/02/2023 04:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/02/2023 | 04:25

STO - Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động ủy thác vốn vay ưu đãi trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển tải dòng vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…

Trong quá trình hoạt động, ngân hàng chính sách xã hội đã phối hợp với các cấp hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên trong tỉnh để thực hiện hoạt động ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến với người dân. Theo đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ ủy thác từ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn toàn tỉnh trên 4.442,8 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ toàn chi nhánh, tăng hơn 470,6 tỷ đồng (11,85%) so với ngày 31/12/2021, trong đó, hội nông dân trên 1.147,6 tỷ đồng; hội liên hiệp phụ nữ trên 1.249,7 tỷ đồng; hội cựu chiến binh trên 1.079,6 tỷ đồng và đoàn thanh niên trên 965,8 tỷ đồng.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng Trần Duy Đông khen thưởng các tập thể đạt thành tích tốt trong hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách. Ảnh: QUANG BÌNH

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, để cụ thể hóa nội dung công việc ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng đã ký kết Văn bản liên tịch số 68/VBLT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTN, ngày 11/01/2022 về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tại cấp huyện thì phòng giao ngân hàng chính sách xã hội huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện đã ký kết văn bản thỏa thuận; đối với cấp xã thì phòng giao ngân hàng chính sách xã hội huyện ký kết hợp đồng ủy thác với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Dựa trên nội dung thỏa thuận, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, các chương trình tín dụng, các quy định liên quan đến hoạt động ủy thác với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Chia sẻ thêm về các hoạt động phối hợp thực hiện cùng ngân hàng chính sách xã hội, đồng chí Trịnh Bích Tuyền cho biết thêm: "Trong suốt thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các nội dung văn bản liên tịch; quan tâm rà soát, phân công nhiệm vụ cho cán bộ theo dõi hoạt động ủy thác để thường xuyên chủ động phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội trong quá trình triển khai; tuyên truyền, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở trong việc nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; đặc biệt thực hiện phương án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023 đối với cấp xã và đề án đối với cấp huyện, cấp tỉnh".

Song song đó, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, đặc biệt là cấp xã phối hợp tích cực với ngân hàng chính sách xã hội thực hiện củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng ủy thác theo Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 18/1/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp đã tích cực phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội và chính quyền địa phương triển khai các chương trình tín dụng được giao trong năm 2022 là 556,4 tỷ đồng, trong đó có các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thực tế cho thấy, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở Sóc Trăng thời gian qua đã và đang huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: