• Ngân hàng chính sách xã hội

Vượt khó thoát nghèo nhờ vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội

03/01/2023 05:21 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/01/2023 | 05:21

STO - Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã cùng chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể không chỉ mang vốn cho người dân nghèo và đối tượng chính sách “vay đủ” mà còn “bắc nhịp cầu kinh tế thị trường” về khắp các miền quê, giúp bà con mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh…

Liêu Tú là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Trần Đề (Sóc Trăng), người dân chủ yếu sống bằng trồng lúa, rau màu, chăn nuôi... Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, đến nay trên địa bàn xã đã duy trì 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội, 39 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ đạt trên 54,8 tỉ đồng, với 1.867 hộ vay; có 100% tổ vay vốn thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên. Qua đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã trong từng giai đoạn: giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,57% xuống còn 3,2%; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,2% xuống còn 0,29%.

“Đây là kết quả của việc Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã chỉ đạo các ngành phối hợp tốt với ngân hàng chính sách xã hội, gắn tín dụng chính sách với chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn” - đồng chí Trần Trung Tính - Chủ tịch UBND xã Liêu Tú, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trần Đề nhận định.

Dòng vốn tín dụng chính sách xã hội như “mưa dầm thấm đất” không chỉ giúp người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer giảm nghèo mà còn giảm tình trạng ly nông, ly hương, bỏ hoang tài nguyên đất đai, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững. Điển hình như anh Triệu Ly Na, là người Khmer tại ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú bôn ba nhiều năm lao động trên thành phố mà kinh tế vẫn khó khăn, lại không có điều kiện chăm lo cho con cái và cha mẹ nên năm 2012, anh quyết định về quê. Tuy nhiên, không vốn tích lũy, nên khi được chính quyền và ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn hộ cận nghèo với số tiền là 30 triệu đồng, anh cũng chỉ mua được 1 con bò sữa. Thêm một vòng vay vốn hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo, đến nay sau 10 năm, anh đã có một đàn bò sữa 9 con. Từ tiền tích lũy nuôi bò, gia đình anh Na đã đầu tư thêm nuôi heo và nuôi trùn quế. Anh Na vui mừng cho biết, nhờ đồng vốn ngân hàng, cuộc sống gia đình anh bây giờ tốt hơn nhiều, trước là hộ nghèo, giờ thoát nghèo bền vững, với nguồn thu ổn định, có tiền nuôi con ăn học. Anh cũng mua được thêm 5 công đất trồng lúa, trồng cỏ cho bò ăn.

Nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp người nghèo chí thú làm ăn thoát nghèo bền vững. Ảnh: QUANG BÌNH

Hay như trường hợp của anh Kiêm Thanh Sang, cũng là người Khmer tại ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú. Khi trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, anh Sang gần như tay trắng khi thu nhập dành dụm nhiều năm đã vơi cạn vì nuôi mẹ đau ốm nhiều năm vừa mất. Tài sản còn lại là căn nhà mà Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo từ năm 2008 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg. “Nghề thì mình biết nhiều, từ làm sắt, lái xe... nhưng mình hoang mang không biết làm cái gì vì không có vốn” - anh Sang kể. Vì vậy, việc được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo hồi hương sau đại dịch Covid19 đúng như “nắng hạn gặp mưa rào”. Chỉ trong vòng 2 năm, từ một tiệm làm sắt nho nhỏ, đến nay cùng với việc vay thêm ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng, anh Sang đã mở rộng sản xuất nên đã tạo thu nhập ổn định với hơn chục triệu đồng/tháng, đồng thời góp phần tạo việc làm cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập từ 250 - 350 ngàn đồng/ngày.

Đồng chí Lý Rotha - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua 20 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho thấy được hiệu quả kinh tế - xã hội mang đến cho đồng bào là hết sức tích cực, nguồn vốn đã góp phần giúp cho hơn 218.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, thay đổi cách thức làm ăn, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Đời sống đồng bào ngày càng giảm bớt khó khăn, tạo cơ hội học tập và dần nâng cao chất lượng cuộc sống, càng củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đoàn kết các dân tộc được gắn bó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định...”.

Những câu chuyện hỗ trợ đồng bào Khmer giảm nghèo, an cư lạc nghiệp không chỉ có ở xã Liêu Tú mà còn được mở rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Qua đó cho thấy, nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội đã trở thành động lực quan trọng, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững; góp phần “phát huy tiềm năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng, bền vững” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, XIII và XIV đề ra.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: