• Pháp luật - Bạn đọc

Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính - bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính

22/02/2024 04:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 22/02/2024 | 04:23

STO - Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã triển khai đồng loạt trên toàn quốc là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Đây là dịch vụ được doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Để nắm rõ hơn về việc triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng về vấn đề này.

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là gì?

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã được triển khai đồng loạt trên toàn quốc từ ngày 1/7/2020, là một bước tiến trong cải cách TTHC. Theo khoản 9, Điều 3 và khoản 1, Điều 4 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngày 8/4/2020 của Chính phủ quy định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính; việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Về cơ bản, trình tự giải quyết thủ tục chứng thực bản sao điện tử được thực hiện như chứng thực bản sao từ bản chính giấy; bản sao chứng thực điện tử được ký số, đóng dấu, bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, công dân thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử chỉ trả lệ phí chứng thực cho 1 bản sao và có thể sử dụng nhiều lần bản sao này để bổ túc hồ sơ liên quan, giảm chi phí đi lại.

Phóng viên: Đồng chí cho biết thêm việc áp dụng TTHC chứng thực bản sao điện tử từ bản chính bao gồm những đối tượng nào?

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Đối với cơ quan giải quyết, gồm: phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đối với người có yêu cầu chứng thực: tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, còn có sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật và ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán trên môi trường điện tử.

Phóng viên: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo triển khai có hiệu quả công tác chứng thực bản sao điện tử từ bản chính?

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 1123/UBND-KSTT, ngày 10/7/2020, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 39/UBND-KSTT, ngày 11/1/2021 chỉ đạo thực hiện dịch vụ công - chứng thực bản sao điển tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND về cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh (chỉ số PAPI). Theo đó, Sở Tư pháp phụ trách thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử, trong đó có chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Với nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 20 lớp tập huấn quy trình chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trực tiếp thao tác trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; đồng thời cấp gần 600 tài khoản cho cán bộ, công chức thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; ngoài ra thường xuyên rà soát và tập huấn cho các vị trí công chức chuyển đổi nhằm đáp ứng được nhiệm vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Từ khi triển khai đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Phóng viên: Trong quá trình triển khai thực hiện có gặp khó khăn, vướng mắc và giải pháp để khắc phục trong việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính? 

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Mặc dù đã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính từ năm 2020 và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế số lượng chứng thực bản sao điện tử từ bản chính còn khiêm tốn so với tổng số việc chứng thực bản sao từ bản chính bằng giấy (chỉ chiếm 5 - 10%). Việc này có thể kể đến một số nguyên nhân, như: phần nhiều người dân chưa biết cách ứng dụng công nghệ thông tin vào yêu cầu thực hiện các TTHC nói chung và chứng thực bản sao điện tử nói riêng. Người dân không có nhu cầu chứng thực bản sao điện tử (vì hiện nay đa số TTHC đều nhận bản photocopy đã được đối chiếu bản chính hoặc nộp trực tuyến thì chỉ yêu cầu chụp bản chính của giấy tờ, tài liệu). Quy trình chứng thực bản sao điện tử từ bản chính còn qua nhiều bước, bản sao điện tử chưa được in sử dụng trực tiếp và chỉ áp dụng khi nộp TTHC có liên quan mức độ 4. Ngoài ra, vị trí công tác của cán bộ, công chức cấp xã thường xuyên chuyển đổi, từ đó việc tiếp cận của người mới phải mất nhiều thời gian...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá năng lực làm việc đối với cán bộ, công chức làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tiếp tục tập huấn đối với cán bộ, công chức chuyển đổi vị trí làm việc nhằm đảm bảo thông suốt, hiệu quả khi thực hiện thủ tục này. Tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức và người dân về hiệu quả của việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Văn phòng Chính phủ sửa đổi quy trình, trình tự thực hiện theo hướng đơn giản hóa các bước thực hiện. Đề nghị sửa đổi quy định theo hướng có thể in ra sử dụng như chứng thực bản sao từ bản chính bằng giấy...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

KIM NGỌC (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: