• Pháp luật - Bạn đọc

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân

28/03/2024 04:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 28/03/2024 | 04:05

STO - Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, gồm 6 chương, 91 điều với nhiều điểm mới, khắc phục hạn chế, bất cập của pháp lệnh, nghị định có liên quan trước đó. Luật đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng, trên cơ sở kế thừa pháp lệnh, nghị định liên quan, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có những nội dung, chính sách mới. Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nghĩa vụ phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức, chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân có thể thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: SONG LÊ

Chẳng hạn việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn được mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành. Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng…

Những nội dung dân bàn và quyết định, trong luật cũng quy định những điểm mới như tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần tham dự gồm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố; đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố; phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng gia đình hoặc thực hiện bằng những hình thức khác được pháp luật quy định. Về tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp...) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm có khả năng thực hiện trên thực tế. Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và các nội dung người lao động bàn, quyết định.

Việc tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức. Ảnh: SONG LÊ

Những nội dung nhân dân kiểm tra, giám sát, luật cũng quy định người dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà nhân dân đã bàn, quyết định; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương; người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị và của tổ chức có sử dụng lao động. Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND), qua Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở.

Khi luật có hiệu lực, hệ thống dân vận, mặt trận các cấp trong tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hội nghị; phát hành các tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài, phóng sự về các nội dung có liên quan và lồng ghép phù hợp trong các hoạt động khi triển khai các nhiệm vụ chính trị. Từng bước tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở tạo thành nền nếp phù hợp với quyền, nhiệm vụ được pháp luật quy định và phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở cơ sở.

SONG LÊ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: