• Pháp luật - Bạn đọc

Phát huy vai trò phụ nữ trong phòng, chống tội phạm

28/02/2024 14:27 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 28/02/2024 | 14:27

STO - Nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp tự phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân, gia đình trước tệ nạn xã hội và tội phạm là vấn đề cấp thiết được các cấp hội phụ nữ quán triệt, triển khai mạnh mẽ. Thực tế, hơn một nửa số dân của tỉnh Sóc Trăng là nữ giới, lực lượng này đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, góp phần đắc lực trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ổn định, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, nhất là chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, ma túy, mại dâm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn ngày càng tinh vi vẫn đang tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận. Các đối tượng phạm tội thường nhắm vào phụ nữ, trẻ em để “hành động”. Với số lượng hội viên 257.690 người, các cấp hội phụ nữ đã tăng cường phối hợp triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã chủ động, khẩn trương xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai đến các cấp hội trong toàn tỉnh thực hiện nâng cao nhận thức và phòng, chống tội phạm. Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch, đăng ký cơ quan đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ cơ quan, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ. Đồng thời, phối hợp triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Đưa nội dung chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm vào chương trình công tác năm của hội gắn triển khai thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”; Dự án 8 về “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Tất cả được triển khai đến các cấp hội thực hiện, đảm bảo đúng trọng tâm, sát thực tế và kịp thời.

Các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật bằng nhiều hình thức. Ảnh: SỚM MAI

Để nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội tổ chức được 9.811 cuộc cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, chủ yếu trong các buổi sinh hoạt định kỳ tổ, câu lạc bộ phụ nữ, nói chuyện chuyên đề, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo). Nội dung trọng tâm vận động, tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, chủ trương của tỉnh về: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030; thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người; vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, bảo vệ môi trường”...

Đối với việc thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội, các cấp hội phối hợp tổ chức 8 lớp truyền thông nâng cao kiến thức về phòng, chống tội phạm; lồng ghép 11 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội triển khai kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội và ma túy ở cơ sở; phối hợp tổ chức truyền thông, vận động trên 3.200 hội viên phụ nữ tham gia đăng ký gia đình không có ma túy, con em không sử dụng ma túy tại các huyện vùng ven biển có tình tình phức tạp; phối hợp tổ chức 7 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 44 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng phòng, chống bạo lực, phòng chống mua bán người, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn trong hội viên, phụ nữ vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo tại 11 huyện, thị xã, thành phố...

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ để kịp thời tháo gỡ và có giải pháp đẩy mạnh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật hiệu quả. Ảnh: SỚM MAI

Không những vậy, hội liên hiệp phụ nữ các cấp còn hối hợp với các ngành tham gia 508 vụ hòa giải; trợ giúp pháp lý và hỗ trợ, tư vấn cho 1.642 chị; tiếp tục cùng các ngành quản lý giáo dục, cảm hóa 297 đối tượng và có 178 đối tượng chuyển biến tốt, cam kết không tái phạm và tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tổ chức 8 cuộc giám sát về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Duy trì hoạt động mô hình “2 không, 2 có” (không để cháy nổ xảy ra, không để trộm cắp tài sản; có ý thức phòng chống dịch bệnh Covid-19, có nếp sống văn hóa) tại cơ quan Tỉnh hội. Các cấp đã thành lập mới 39 tổ để đẩy mạnh và hỗ trợ đắc lực việc phòng, chống tội phạm như: Tổ “Phụ nữ sống có nghĩa, có tình”, tổ “Phụ nữ tự tin có Lối sống đẹp”, tổ “Phụ nữ tự tin - nói không với tín dụng đen và tổ tuyên truyền giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm”; tổ “Phụ nữ Dân quân tự vệ”; tổ phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, thực hiện Dự án 8, Tỉnh hội hỗ trợ thành lập mới 110 tổ truyền thông cộng đồng tại 110 ấp thuộc 10 xã; 14 địa chỉ tin cậy ở 14 cơ sở; 24 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi tại các điểm trường học tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ những phương thức vận động, tuyên truyền sâu rộng, phù hợp từng đối tượng cùng với nhiều mô hình thiết thực đã giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức pháp luật. Trên cơ sở đó, chị em phụ nữ đã mạnh dạn lên tiếng tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ gia đình, xã hội.

SỚM MAI

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: