• Sức khỏe và Đời sống

Giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

10/12/2023 20:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Chủ Nhật, 10/12/2023 | 20:24

Đến nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta còn cao, đây là nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao của thanh niên Việt Nam vẫn khá thấp. Do vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để giảm tình trạng này.

Giám sát việc bổ sung vitamin A cho trẻ em tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VĂN TIẾN)

Giám sát việc bổ sung vitamin A cho trẻ em tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VĂN TIẾN)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với ba vấn đề về dinh dưỡng là: Suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, nhưng theo kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia được thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức 19,6% và có sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, ở phụ nữ có thai là 25,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm… Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (từ 5-19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Nguyên nhân của cả ba vấn đề nêu trên là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả…) và thiếu hoạt động thể lực, kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm. Khẩu phần ăn đơn điệu khiến các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, sắt, kẽm... không được cung cấp đầy đủ thông qua thực phẩm và chế độ ăn hằng ngày…

Qua thực tế khám và tư vấn dinh dưỡng, Tiến sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, phần lớn trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc ngấp nghé suy dinh dưỡng là do người chăm sóc thiếu kiến thức, không phải do thiếu thực phẩm, cũng không hẳn do trẻ biếng ăn hay bị ốm. Nhiều gia đình áp dụng chế độ ăn của người trưởng thành cho trẻ em, chỉ cho ăn tinh bột, rau củ, nhưng ăn rất ít đạm động vật và hầu như không có dầu mỡ.

Trong khi đó, khi bắt đầu tập ăn dặm (từ 6 tháng tuổi), mỗi ngày trẻ cần được ăn khoảng 5ml dầu mỡ (1ml khoảng 18-20 giọt). Như vậy, ăn vài giọt thì coi như là không ăn và khi thiếu dầu mỡ, thiếu chất béo thì không chỉ thiếu năng lượng mà còn không hấp thu được các vitamin quan trọng tan trong dầu như các vitamin A, D…, đấy chính là lý do làm cho trẻ bị thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng.

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhóm vi chất dinh dưỡng gồm 14 vitamin (A, B, C, D, E…) và khoáng chất (can-xi, phốt-pho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng…).

Tiến sĩ Trần Khánh Vân, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: Thiếu vi chất dinh dưỡng hay còn gọi là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự phát triển thể lực, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện và là nguyên nhân chính dẫn tới chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Đáng chú ý, các biểu hiện của thiếu vi chất dinh dưỡng rất mờ nhạt, khó chẩn đoán, nhưng khi trở thành bệnh thì rất khó điều trị.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để không thiếu bất kỳ một vi chất dinh dưỡng nào, cách tốt nhất là phải đa dạng thực phẩm. Nhằm phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng, từ nhiều năm nay, Viện Dinh dưỡng quốc gia là đầu mối mỗi năm triển khai hai đợt (đợt 1 vào đầu tháng 6 và đợt 2 vào đầu tháng 12 hằng năm) bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 đến 59 tháng tuổi tại hơn 11 nghìn xã, phường trong toàn quốc. Việc bổ sung vitamin A rất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn và phát triển không toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, giảm khả năng nhìn (quáng gà), nếu thiếu nhiều sẽ gây viêm loét giác mạc và dẫn đến mù lòa. Chính vì vậy, các bà mẹ cần đưa con đến trạm y tế bổ sung vitamin A; đồng thời sẽ được tư vấn kiến thức về chăm sóc trẻ; đa dạng thực phẩm, sử dụng tối đa nguồn thực phẩm tự nhiên và sẵn có tại địa phương, hướng tới chuyển đổi thực phẩm bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai nêu rõ, suy dinh dưỡng thể thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.

Vì vậy, chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi là đặc biệt quan trọng. Do vậy, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về vai trò dinh dưỡng hợp lý; các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông về dinh dưỡng.

Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đã đưa ra 5 mục tiêu cụ thể cùng với 20 chỉ tiêu (các mục tiêu, chỉ tiêu được đưa ra trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các chiến lược của giai đoạn trước và dựa trên cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế liên quan tới Mục tiêu phát triển bền vững).

Theo đó, trong 10 năm tới tập trung vào tăng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu theo phương pháp tiếp cận toàn bộ vòng đời; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh các can thiệp dinh dưỡng cho nhóm trẻ em trong độ tuổi đi học, người lao động trong những ngành, nghề đặc thù và người cao tuổi…; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng thông qua chế độ ăn hợp lý, lành mạnh; tăng cường truyền thông về dinh dưỡng hợp lý bằng các cách tiếp cận hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin; xác định, huy động, phân bổ kinh phí từ trung ương và địa phương cho việc triển khai kế hoạch hành động dinh dưỡng, ưu tiên đầu tư các vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

MINH HOÀNG/BÁO NHÂN DÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: