• Thành phố Sóc Trăng trên đường phát triển

Thành phố Sóc Trăng cần có giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước kênh, rạch căn cơ, lâu dài

06/04/2024 04:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 06/04/2024 | 04:00

STO - Hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh, rạch trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đang là đề tài nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Mặc dù các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên mức độ ô nhiễm vẫn chưa cải thiện nhiều; đòi hỏi cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Kênh Nhân Lực, Phường 9, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) ô nhiễm, bốc mùi khó chịu. Ảnh: LÊ VŨ

Theo thống kê, thành phố Sóc Trăng hiện có trên 240 kênh, rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước. Tuy nhiên, rất nhiều kênh, rạch trong số đó đang bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân chính là do nước sinh hoạt chưa qua xử lý, bùn bã lâu ngày không được thu gom cộng với rác làm ứ đọng, giảm khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực, gây tình trạng ngập nước khi có triều cường và mưa lớn ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và đời sống người dân.

Kênh Cầu Xéo, Phường 5 nhiều năm nay đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng kênh có màu đen kịt, chất cặn bã đóng thành lớp dày đặc, hai bên bờ, dưới lòng kênh rác thải tràn lan, bốc mùi nồng nặc. Theo lãnh đạo UBND Phường 5, để khắc phục ô nhiễm và khơi thông dòng chảy, địa phương đã nhiều lần ra quân cùng người dân vớt rác và tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh, tuy nhiên tình hình ô nhiễm vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Đồng chí Lý Hồng Lộc - Phó Chủ tịch UBND Phường 5 cho biết: "Kênh Trà Men đã ô nhiễm từ nhiều năm nay, nguyên nhân là do dòng nước bị tù lắng và rác sinh hoạt, cỏ dại. Hằng năm, bên cạnh việc nạo vét, khai thông dòng chảy, phường thường xuyên tuyên truyền, nhưng do ý thức của một bộ phận người dân còn kém, vẫn còn xả rác xuống kênh. Để xử lý triệt để, thành phố cần nghiên cứu, hạ thấp mặt cống đoạn đầu sông Maspero để nước lưu chuyển. Về phía phường sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những trường hợp cố tình vứt rác bừa bãi xuống kênh".

Tương tự kênh Hồ Nước Ngọt, kênh 30-4, kênh Trường Thọ trên địa bàn Phường 6 cũng bị bồi lắng và ô nhiễm. Theo đề xuất của nhiều hộ dân sống ở khu vực này, giải pháp hiệu quả nhất là cần có hệ thống thoát nước thải đấu nối về nhà máy xử lý nước thải, còn lại việc vớt rác chỉ là biện pháp tạm thời. Ông Nguyễn Văn Lời, một người dân ở Khóm 6, Phường 6 cho biết: "Thành phố Sóc Trăng và phường cũng có tổ chức tổng vệ sinh, thu gom rác, lục bình để tạo dòng chảy. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi sau một thời gian ngắn nguồn nước lại bị ô nhiễm như trước. Vấn đề ở đây là thành phố cần có giải pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt, trước khi thải ra môi trường".

Nhiều năm trước, kênh Nhân Lực, kênh 3/2, kênh Quản Khuôn trên địa bàn Phường 9 phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp; tuy nhiều thời gian sau này, do sự phát triển đô thị và do thực hiện một số công trình, dự án phải đóng cống, mức độ ô nhiễm của các dòng kênh này ngày càng gia tăng, đến mức báo động. Theo người dân sinh sống dọc tuyến kênh, gần đây trên dòng kênh này, tình trạng ô nhiễm trầm trọng tái diễn, mùi hôi thối bốc lên từ lòng kênh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đồng chí Lý Phol - Bí thư Chi bộ Khóm 5, Phường 9 chia sẻ: "Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm kênh Nhân Lực, kênh 3/2 là do không được thoát nước, nước ứ đọng lâu dần dẫn đến tình trạng ô nhiễm như hiện nay. Theo nguyện vọng của bà con ở khu vực này, thành phố mở cống khu dân cư 5A để thông dòng chảy".

Sẽ thiếu công bằng nếu chỉ đổ lỗi cho dân cư sống ven các kênh, vì thực tế, lượng nước thải sinh hoạt của cả khu vực đổ dồn về các kênh là không nhỏ. Về giải pháp xử lý ô nhiễm các kênh, rạch trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, trước mắt phòng sẽ tham mưu với UBND thành phố nạo vét, khơi thông dòng chảy, tuyên truyền người dân không xả rác. Về phía địa phương cũng cần thường xuyên thu gom, dọn dẹp rác trên kênh, rạch.

Lâu nay, việc khắc phục ô nhiễm trên các tuyến kênh, rạch chủ yếu dùng các phương tiện cơ giới thu gom rác, nạo vét bùn bã, cộng với đó là tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, thế nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các cấp, các ngành cần phải có giải pháp triệt để hơn, trong đó, việc đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt vẫn là giải pháp tối ưu nhất.

LÊ VŨ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: