• Thị xã Ngã Năm

Thị xã Ngã Năm:

Phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản

11/01/2024 04:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 11/01/2024 | 04:35

STO - Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 20/8/2020 của Thị ủy Ngã Năm (Sóc Trăng) thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 về tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp toàn diện và Đề án số 01/ĐA-UBND, ngày 10/1/2022 của UBND thị xã Ngã Năm về phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã có bước phát triển ổn định; nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất được xây dựng, triển khai, nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả 

Thực hiện các chương trình nêu trên, lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Ngã Năm đã chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung rà soát, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả đối với các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp. Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa có sự chuyển biến. Nếu như năm 2020 chỉ có 48,53% diện tích sản xuất lúa đặc sản, thơm các loại thì đến nay đạt 74,6% và lúa đặc sản, chất lượng cao đạt 97,43% diện tích. Song song đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây màu phù hợp với nhu cầu thị trường, bước đầu đem lại hiệu quả cao, sản lượng tiêu thụ ổn định. Đối với cây ăn trái đã hình thành mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm mãng cầu gai được người trồng và hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia ký kết, chế biến sâu, các sản phẩm thực hiện theo chuỗi sản xuất trên địa bàn thị xã đến tay người tiêu dùng là trà, mứt mãng cầu, rượu mãng cầu và trái mãng cầu. Trong chuỗi giá trị của mãng cầu gai, người trồng có thể thu được lợi nhuận tương đương 150 triệu đồng/ha/năm, đây là mức lợi nhuận rất cao so với trồng lúa.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu (thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) tham quan mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Ảnh: QUANG BÌNH

Về chăn nuôi, theo đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, trong những năm gần đây, địa phương đã tranh thủ các chương trình, dự án tỉnh, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: dự án phát triển chăn nuôi bò thịt Sóc Trăng, mô hình trồng cỏ nuôi bò, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi vịt sinh sản theo hướng an toàn sinh học và VietGAP, xây dựng các mô hình nuôi gia cầm theo hướng tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để giảm giá thành, tăng lợi nhuận theo quy mô nông hộ. Đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản thì diện tích thả nuôi ước đến cuối năm 2023 là 3.220ha, đạt 100,63% kế hoạch, sản lượng đạt 13.200 tấn, đạt 132% chỉ tiêu kế hoạch. Trong thời gian qua, thị xã đẩy mạnh phát triển diện tích nuôi thủy sản theo các mô hình, như: lúa - cá, lúa - cá kết hợp trồng màu hoặc cây ăn trái, mô hình nuôi cá đăng quầng, cá ao, mương vườn... đặc biệt mô hình nuôi lươn không bùn đã phát triển trên 300 hộ ở hầu hết các xã, phường, thị trấn.

“Đến nay, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên có 9 sản phẩm từ thủy sản và nhiều sản phẩm tiềm năng. Các kênh tiêu thụ cá đồng rất đa dạng, qua đánh giá kênh tiêu thụ gắn chế biến các sản phẩm đặc sản từ cá đồng mang lại giá trị gia tăng ca và trở thành thương hiệu được người tiêu dùng quan tâm sử dụng... Qua tham vấn trực tiếp các chủ thể cho thấy mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng tăng lợi nhuận 15 triệu đồng/ha so với chuyên canh lúa; các sản phẩm sau chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao so với các sản phẩm tươi, cụ thể: lúa - gạo tăng từ 4,4 - 25,46%, trái mãng cầu gai - mứt, trà tăng từ 21 - 42%, cá tươi - mắm tăng từ 21 - 52%”, đồng chí Hồng Minh Nhật thông tin thêm.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Trong những năm qua, UBND thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp các viện, trường và các đơn vị có liên quan triển khai các đề tài, dự án cấp tỉnh và các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, bước đầu mang lại hiệu quả và được người dân ứng dụng, nhân rộng, như: mô hình đa canh (3 cây, 1 con), chăn nuôi bò, nuôi gà trên đệm lót sinh học, sản xuất lúa đặc sản theo hướng an toàn, chanh không hạt, dừa, mãng cầu gai, ứng dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu...

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn của thị xã đã phối hợp các viện, trường, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các đề tài, dự án, hỗ trợ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay sản phẩm bánh nhân mứt mãng cầu gai được chuyển giao cho hộ kinh doanh Phạm Thị Bé Ba sản xuất, phát triển phân phối. Đồng thời phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện Đề án “Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp bằng tem điện tử trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2019 - 2021” hỗ trợ tem điện tử liên kết website truy suất nguồn gốc cho 5 cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã. Tổng số là 230.000 tem, thiết kế đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 64 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã. Trên địa bàn thị xã có 2 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư ứng dụng công nghệ cao, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều với ứng dụng nhà kín phơi nông sản, máy rang trà mãng cầu, máy sấy lạnh nông sản và Cơ sở xay xát lúa gạo An Cư với ứng dụng lò sấy tháp trong sơ chế và bảo quản lúa gạo.

Đồng chí Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết, thời gian qua, thị xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi cho các tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tìm đầu ra cho sản phẩm để phát triển các sản phẩm lợi thế của Ngã Năm, như: lúa đặc sản, mãng cầu gai, nấm rơm, cá đồng... Đầu tư xây dựng các khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP của thị xã. Hằng năm, thị xã tăng cường hỗ trợ về xúc tiến thương mại, giới thiệu các chủ thể OCOP tham gia Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay có một số sản phẩm đã có mặt ở các vùng, miền trong cả nước; hướng dẫn đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… và đang đàm phán đối tác để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), từ đó nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến và đánh giá tích cực.

Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn thị xã Ngã Năm hiện nay đã và đang hình thành, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán, trách nhiệm, năng lực của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị quan tâm, nhiều mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và sự chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn thị xã.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: