• Thị xã Vĩnh Châu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Giám sát chuyên đề “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại thị xã Vĩnh Châu

20/03/2023 18:43 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/03/2023 | 18:43
Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Bắc

STO - Ngày 20/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn, có buổi giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngày 21/11/2017 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Cùng đi với đoàn giám sát có đồng chí Tô Ái Vang - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; lãnh đạo địa phương.

Tại thị xã Vĩnh Châu, đoàn giám sát đã đến tìm hiểu công tác dạy và học tại Trường Trung học cơ sở Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Hiệp và Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3, xã Vĩnh Hải. Đối với Trường Trung học cơ sở Vĩnh Hiệp có 2 cán bộ quản lý và 19 giáo viên; có 10 phòng học đáp ứng đủ 10 lớp, đảm bảo thực hiện hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày. Đồng thời có 1 phòng tin học với 15 máy tính, 1 phòng Công nghệ - Lý, 1 phòng Hóa - Sinh, 1 phòng thư viện, 1 phòng y tế. Trong dạy môn Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) có 2 giáo viên đảm nhận; môn Lịch sử và Địa lý có 2 giáo viên dạy; môn Nghệ thuật (âm nhạc - mỹ thuật) có 2 giáo viên phụ trách. Đối với Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3, số học sinh huy động ra lớp năm học 2022 - 2023 là 1.012 học sinh/33 lớp, bình quân 30 học sinh/lớp, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 9,79%, dân tộc Khmer chiếm 67,19%, dân tộc Hoa chiếm 23,02%. Trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp, 100% cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1, 2, 3 hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nền nếp dạy học ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin cho học sinh.

Đoàn giám sát trao đổi với giáo viên về những thuận lợi, khó khăn trong dạy những môn tích hợp. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Làm việc với UBND thị xã Vĩnh Châu, đoàn đã nghe báo cáo kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Toàn thị xã có 53 trường từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông; năm học 2022 - 2023 huy động tổng cộng 35.733 học sinh ở các cấp học; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 1.767 người. Để thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thị xã Vĩnh Châu đã dành kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên năm 2020, năm 2021 trên 4 tỷ đồng; kinh phí trang bị sách giáo khoa cho thư viện và học sinh nghèo mượn từ năm 2020 đến năm 2022 gần 1,5 tỷ đồng; kinh phí mua sắm thiết bị dạy học năm 2020 và năm 2021 gần 15 tỷ đồng.

Công tác giảng dạy theo hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông luôn được thực hiện chặt chẽ, từ đó có nhiều chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Đồng thời, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội gặp gỡ học sinh, tìm hiểu về việc tiếp thu kiến thức đối với sách giáo khoa mới. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thị xã Vĩnh Châu cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ mua sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; cải cách tiền lương ngành giáo dục nhằm thu hút nguồn nhân lực và đảm bảo kinh tế để nhà giáo an tâm công tác; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho giáo viên và bố trí thời điểm hè để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ thường xuyên.

Đoàn cũng đặt ra một số vấn đề với thị xã Vĩnh Châu về đánh giá khả năng tiếp thu để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh khi tiếp cận với chương trình học mới; mức độ phù hợp của chương trình đổi mới đối với học sinh dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán; định hướng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy những môn tích hợp…

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Công Sỹ cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy các trường thực hiện tốt công tác dạy học theo hướng đổi mới, có sự chủ động trong xây dựng nội dung bài giảng, thường xuyên cập nhật kiến thức mới để truyền đạt đến học sinh. Học sinh chủ động và tích cực trong việc trao đổi, thảo luận để nắm vững hơn kiến thức tự nhiên, xã hội. Tuy nhiên, việc chưa có giáo viên dạy tích hợp môn tự nhiên, môn xã hội là một trong những hạn chế nhất định, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vĩnh Châu còn thiếu giáo viên dạy ở một số bộ môn, điển hình là dạy môn Ngoại ngữ (Anh văn) và môn Tin học.

Trên cơ sở nội dung giám sát, đồng chí Đinh Công Sỹ ghi nhận những khó khăn và đề xuất, kiến nghị của địa phương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: