• Thị xã Vĩnh Châu

Phụ nữ Vĩnh Châu với công tác phòng, chống bạo lực gia đình

25/01/2023 05:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 25/01/2023 | 05:04

STO - Trong năm 2022, công tác can thiệp, hỗ trợ, tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ và tuyên truyền, vận động tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thực hiện bằng nhiều hình thức.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Vĩnh Châu, năm 2022, số hộ xảy ra bạo lực gia đình là 20 hộ (phường 1, phường 2, phường Khánh Hòa, xã Lai Hòa, xã Vĩnh Hiệp). Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã và chính quyền đã lắng nghe, tiếp thu, giải quyết các vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. Cùng với đó, để phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã tổ chức 10 cuộc nói chuyện chuyên đề, cung cấp kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống xâm hại trẻ em cho các chi hội trưởng các ấp, khóm, tổ trưởng, hội viên nòng cốt trên 10 xã, phường. Ra mắt “Tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình” tại xã Hòa Đông; “Tổ phụ nữ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em” tại xã Vĩnh Hải; “Tổ phụ nữ phòng, chống tảo hôn” tại phường Vĩnh Phước; “Tổ phụ nữ phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em” tại xã Vĩnh Hải.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) sẽ chú trọng phát huy điểm mới trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 là khuyến khích xã hội hóa để chăm lo phụ nữ, trẻ em. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã còn tổ chức đối thoại với chính quyền địa phương thực hiện chính sách can thiệp hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Tại cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ mở rộng, chia sẻ nhiều thông tin kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn về công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các chính sách can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; công tác hỗ trợ nạn nhân sau khi xảy ra vụ việc; quyền và nghĩa vụ của phụ nữ (nhất là hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số) trong thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời, đưa ra những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ phòng, chống những vấn nạn xâm hại trẻ em hiện nay. Từ đó tăng cường sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhằm giảm thiểu số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý và giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Định hướng lồng ghép hoạt động dịch vụ công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em với những hoạt động thuộc chương trình y tế, giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp được an toàn.

Theo đồng chí Văn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Vĩnh Châu, nguyên nhân chính dẫn đến phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại là do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu kỹ năng tự vệ, gia đình không trọn vẹn, nạn nhân và gia đình chưa dám lên tiếng để tố giác do sợ trả thù, sợ bị cười chê; biện pháp chế tài của pháp luật chưa đủ sức răn đe… Bên cạnh đó, đời sống kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân chính, vì những gia đình khó khăn thường tạo ra các áp lực, căng thẳng, bế tắc dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp có thể gây nên bạo lực gia đình.

Nhận thức được điều này, các cấp hội đã tranh thủ mọi cách thức hỗ trợ cho 1.262 hội viên vay vốn bằng nhiều giải pháp, góp phần phát triển kinh tế; mở 12 lớp dạy nghề may công nghiệp, đan giỏ, đan ghế, chăn nuôi, trồng nhãn, trồng màu; kết quả sau học nghề có 176/220 chị theo nghề và có việc làm. Hội tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp theo Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (ĐA939) của Trung ương Hội. Qua đó, đã tổ chức giải ngân tổng số tiền 570 triệu đồng cho 114 thành viên thuộc xã Vĩnh Tân, xã Vĩnh Hải, phường Khánh Hòa nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã quản lý. Qua thực hiện khởi nghiệp có 3 sản phẩm gồm: heo một nắng, muối tôm, me ngào hạt dẻo xây dựng được thương hiệu bán rộng rãi trên thị trường.

Đồng chí Văn Thị Ánh Hồng cũng thông tin rằng, thời gian tới khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 bắt đầu có hiệu lực, các cấp hội sẽ chú trọng phát huy điểm mới là khuyến khích xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: