• Biển đảo quê hương

Quy định pháp luật của một số quốc gia Đông Nam Á về xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm

22/12/2023 04:59 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/12/2023 | 04:59

STO - Trong khai thác thủy sản trên biển, việc hiểu và chấp hành luật pháp quốc tế và pháp luật của các nước trong khu vực là vô cùng quan trọng, nhằm hạn chế những vi phạm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản ngư dân.

1. Quy định của Indonesia

Theo khoản 4, Điều 69, Luật số 45 năm 2009 quy định về xử phạt vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thủy sản, khi cơ quan chức năng có bằng chứng xác định tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Indonesia đánh bắt trộm thủy sản, tòa án có thể ra phán quyết đốt cháy hoặc đánh chìm tàu, thuyền nước ngoài đánh cá bất hợp pháp trong khu vực quản lý đánh cá của quốc gia.

Luật này cũng quy định:

a) Tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển và khai thác trái phép sẽ bị tịch thu cùng ngư cụ, thậm chí bị bắn cháy ngoài biển. Trường hợp đánh bắt trong khu vực lãnh thổ nuôi trồng của Indonesia không có giấy tờ bị phạt tù tới 7 năm và bị phạt tiền tới 20 tỷ Rupiah (khoảng 33 tỷ VNĐ).

b) Người làm giấy phép đánh bắt, kinh doanh, chuyên chở giả bị phạt tù tới 7 năm và bị phạt tiền tới 3 tỷ Rupiah (khoảng 5 tỷ VNĐ).

c) Việc sở hữu, mang theo hoặc sử dụng công cụ đánh bắt cá gây hại sự bền vững tài nguyên biển bị phạt tù tới 5 năm, phạt tiền tới 2 tỷ Rupiah (khoảng 3,3 tỷ VNĐ).

2. Quy định của Thái Lan

Đạo luật năm 2015 quy định về đánh bắt hải sản của Thái Lan quy định, đối với các hành vi đánh bắt thủy sản trên vùng biển Thái Lan mà không được cấp phép thì bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt hành chính đến 300.000 Bạt (khoảng 200 triệu VNĐ).

Đạo luật năm 2015 quy định về quyền lợi đánh bắt hải sản trong khu vực đánh bắt của Thái Lan quy định: người nào dùng tàu, thuyền nước ngoài đánh bắt cá trong khu vực đánh bắt của Thái Lan thì chủ tàu hoặc người điều khiển tàu bị xử phạt tới 1.000.000 Bạt (khoảng 630 triệu VNĐ).

Vùng 2 Hải quân tuyên truyền cho ngư dân tỉnh Sóc Trăng biết về những quy định khi khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

3. Quy định của Malaysia

Luật nghề cá năm 1985 của Malaysia quy định, tịch thu toàn bộ phương tiện, tàu, thuyền và hải sản hoặc phá hủy tàu, nếu tàu đó vi phạm vùng biển, khai thác hải sản trái phép; thuyền trưởng bị phạt tới 1 triệu Ringgit (khoảng 5,7 tỷ VNĐ) hoặc phạt tù tới 1 năm; thuyền viên bị phạt 100.000 Ringgit (570 triệu VNĐ) hoặc bị phạt tù tới 6 tháng. Trường hợp không nộp tiền phạt, ngư dân sẽ phải chấp hành hình phạt tù (tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong lãnh hải nước này có thể bị đánh chìm hoặc bán đấu giá tàu và hải sản đánh bắt được).

4. Quy định của Philippines

Luật pháp Philippines quy định, trường hợp vi phạm vùng biển nước này sử dụng chất nổ, khai thác hải sản trái phép, sẽ phạt tù thuyền trưởng, thuyền viên từ 3 tháng đến 10 năm; phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 USD (từ 1,1 tỷ đến 4,4 tỷ VNĐ), tịch thu tàu, thuyền phương tiện khai thác.

5. Quy định của Campuchia

Luật pháp Campuchia quy định ngư dân nước ngoài vi phạm lãnh hải, vùng nước Campuchia đánh bắt trái phép hải sản sẽ bị áp dụng các hình thức phạt sau: bị phạt tiền 1.000 USD/tàu (khoảng 23 triệu VNĐ); tịch thu và tiêu hủy các ngư cụ đánh bắt trái phép; có thể bị truy tố, phạt tù về hành vi nhập cảnh trái phép, tịch thu tàu, thuyền vi phạm.

Để tránh tình trạng vi phạm trong khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Luật Thủy sản 2017; Công văn số 81-CV/TW, ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4. Cần lưu ý tại các ngư trường lớn, khu vực chưa phân chia rõ vùng biển của các nước láng giềng ngư dân cần phải nhận biết rõ về chủ quyền của các nước. Chỉ được đánh bắt hải sản trong vùng biển, đảo Việt Nam, tuyệt đối không sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả các phương tiện đánh bắt xa bờ đều phải ký cam kết không vi phạm vùng biển của các nước tiếp giáp để khai thác hải sản trái phép.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống khai thác thủy sản IUU. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

PHƯỚC LIÊU (Lược ghi)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: