• Chính quyền

Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

09/05/2022 03:48 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 09/05/2022 | 03:48

STO - Cơ chế tự chủ về tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giúp các đơn vị chủ động trong sử dụng kinh phí được giao, tăng cường hiệu quả công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Ngày 21-6-2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Thị Kim Thúy - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã được tỉnh Sóc Trăng triển khai như thế nào?

Đồng chí Dương Thị Kim Thúy: Ngày 21-6-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8-2021. Để triển khai thực hiện nghị định này, UBND tỉnh đã có Công văn số 1887/UBND-TH, ngày 1-9-2021 triển khai đến các sở, ban ngành tỉnh; đoàn thanh niên; các đơn vị sự nghiệp công lập và UBND cấp huyện. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn từ năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính đã hướng dẫn đến các đơn vị, địa phương, cụ thể là Công văn số 4666/STC-NS, ngày 21-10-2021 của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Công văn số 6061/STC-NS, ngày 31-12-2021 của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng về việc khẩn trương triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ có những thuận lợi, khó khăn gì thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Thị Kim Thúy: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành có nhiều đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là những quy định mới, chi tiết hơn về phân loại mức tự chủ tài chính; nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính; tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện. Ngoài ra, khi thực hiện nghị định này có một số khó khăn đối với tỉnh Sóc Trăng, cụ thể: tại khoản 2, Điều 4, Chương 1 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước gồm: các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại phụ lục i ban hành kèm theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP này. Tại khoản 2, Điều 4, Chương 1 của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương. Hay tại Điều 36 của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên, có quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, cụ thể như sau: phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực thực hiện các quy định tại nghị định này; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan Trung ương theo quy định tại Điều 4 nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc bộ, cơ quan Trung ương; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan Trung ương… Thế nhưng, đến nay qua theo dõi chỉ có một số bộ đã ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Bộ Tư pháp ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công về sự nghiệp công, thiết yếu. Do một số bộ, ngành chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, nên các sở, ban ngành tỉnh cũng bị động trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Phóng viên: Thưa đồng chí, thời gian tới, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Dương Thị Kim Thúy: Trong thời gian chờ hướng dẫn, trước mắt, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo tập huấn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đối với lãnh đạo kế toán các đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính sẽ phối hợp với đơn vị đào tạo để triển khai tập huấn đến các đơn vị về Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cố gắng kịp tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, UBND cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt phương án tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp. Mặt khác, Sở Tài chính tiếp tục đôn đốc các đơn vị sự nghiệp công thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

K.N

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: