Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973 - 27-1-2023): Vị trí, ý nghĩa to lớn của Hiệp định Paris

27/01/2023 09:54 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP online
  • Thứ Sáu, 27/01/2023 | 09:54

Hiệp định Paris có hiệu lực từ 24 giờ (giờ GMT) ngày 27-1-1973. Thực hiện Hiệp định Paris, ngày 28-1-1973, toàn miền Nam thực hiện việc ngừng bắn và đến ngày 29-3-1973, lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 21-1-1973. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội của quân dân Việt Nam vào cuối tháng 12-1972 đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, tạo thế vững mạnh cho 2 đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi bước vào vòng cuối cùng của cuộc đàm phán tại Paris.

Với sự kiên quyết và khôn khéo đấu tranh của đoàn VNDCCH và đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, cùng việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, ngày 23-1-1973, tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt giữa đại diện của VNDCCH là cố vấn Lê Đức Thọ và đại diện Hoa Kỳ là cố vấn H. Kissinger. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao đại diện cho các Chính phủ tham dự hội nghị gồm: VNDCCH, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.

Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều, gồm 4 loại điều khoản chính. Các điều khoản chính trị gồm: Mỹ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ miền Nam Việt Nam. Các điều khoản về quân sự gồm: 2 bên ngừng bắn, Mỹ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận tháo gỡ mìn do Mỹ đã rải ở miền Bắc. Các điều khoản về nội bộ miền Nam gồm: theo nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần để tổ chức tổng tuyển cử… Cùng với hiệp định, 2 bên ký 4 nghị định thư: Nghị định thư về ngừng bắn và các ban liên hợp quân sự; Nghị định thư về Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế; Nghị định thư về trao trả nhân viên các bên bị bắt; Nghị định thư về tháo gỡ, vô hiệu hóa mìn ở miền Bắc.

Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ suốt 5 năm liền - một khoảng thời gian dài chưa từng thấy trong lịch sử đàm phán, kể từ phiên họp đầu tiên vào ngày 13-5-1968 đến khi kết thúc vào ngày 27-1-1973. Hội nghị diễn ra với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết là một thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; thắng lợi của chủ trương “vừa đánh, vừa đàm”, của sự phối hợp nhịp nhàng giữa đấu tranh trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán của nhân dân Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Paris cũng là thắng lợi của nhân dân Đông Dương cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung; thắng lợi của lực lượng xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, tự do và tiến bộ trên thế giới. Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt sự dính líu về quân sự. Chính quyền và quân đội Sài Gòn không còn chỗ dựa, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng.

Hiệp định Paris được ký kết đã mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Với việc Mỹ rút quân nhưng lực lượng chính trị và vũ trang Việt Nam vẫn ở miền Nam đã tạo ra so sánh lực lượng mới, tạo thuận lợi cho việc đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào, buộc Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, đưa đến việc ký kết “Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc” ở Lào ngày 21-2-1973, tạo điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn nước Lào vào năm 1975. Đối với Campuchia, Mỹ chấm dứt ném bom, đánh phá, mở đường và tạo cơ hội thuận lợi cho nhân dân Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4-1975. Hiệp định Paris và thắng lợi của nhân dân Việt Nam tạo cục diện mới ở Đông Nam Á, quân đội Mỹ rút khỏi Đông Dương, khối SEATO giải thể, xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực phát triển.

Đánh giá thắng lợi của Hiệp định Paris, trong lời kêu gọi ngày 28-1-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước VNDCCH khẳng định: “Với việc Hiệp định Paris được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”; “Hiệp định Paris được ký kết là cơ sở chính trị và pháp lý đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, đảm bảo quyền tự quyết thiêng liêng của đồng bào ta ở miền Nam. Thắng lợi này là cơ sở để nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước” .

Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, tạo ra thế so sánh lực lượng có lợi cho quân và dân miền Nam tiến tới đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975.

PGS-TS NGUYỄN VĂN NHẬT, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học/Báo SGGP

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: