• Đời sống xã hội

Chất lượng nước sạch nông thôn một số nơi còn kém

19/04/2024 04:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 19/04/2024 | 04:23

STO - Thời gian qua, người dân một số nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bức xúc vì chất lượng nước sạch nông thôn còn kém, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nhà không xa công trình cấp nước sạch thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhưng mấy tháng nay, ông Nguyễn Thái Lộc, ngụ ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cùng người dân ở nơi đây hiếm khi được dùng nước máy đảm bảo chất lượng. Ông Lộc cho biết, thời gian qua, chất lượng nước sạch tại đây không đảm bảo, mở vòi ra thì thấy nước khi thì màu vàng, lúc thì màu đen, lúc thì đầy cặn bẩn, có hôm ngửi thấy cả mùi bùn. Gia đình ông Lộc dùng vải mùng để lược nước, nhưng chất lượng vẫn không được cải thiện. Vì chất lượng nước không đảm bảo nên gia đình ông Lộc không dám dùng để ăn uống, hạn chế dùng sinh hoạt. Cũng như ông Lộc, người dân ở đây phải khóa vòi nước sạch hoặc chỉ dùng để cho gia súc uống, tắm rửa. Nước dùng để nấu ăn, sinh hoạt được chở về từ nơi khác hoặc người dân phải mua nước lọc trong bình, sử dụng nước mưa còn ít ỏi trữ lại từ năm ngoái. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng khiến người dân bức xúc và đã nhiều lần phản ánh lên nhà máy.  

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh tranh thủ huy động, lồng ghép từ các nguồn lực khác nhau và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 về việc thông qua “Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” để triển khai đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý, vận hành 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn với công suất thiết kế từ 168 - 2.874m3/ngày đêm, tổng lưu lượng được cấp phép là 115.008m3/ngày đêm, tổng chiều dài mạng tuyến ống cấp nước hơn 3.541km, phục vụ cho hơn 141.000 hộ dân trên địa bàn các huyện, thị xã. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 61,3%.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai các công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài 87,549km, phục vụ hơn 2.000 hộ dân. Công trình Trạm cấp nước tập trung xã Tân Hưng, huyện Long Phú từ nguồn vốn Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai tài trợ và kinh phí đối ứng của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Các công trình thuộc nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức triển khai thực hiện Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo kế hoạch. Đầu tư cải tạo, nâng cấp, tăng công suất các trạm, đường kính các tuyến ống, đấu nối hòa mạng để điều hòa áp lực nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân; triển khai bảo dưỡng, súc rửa, nâng cấp, cải tạo hệ thống tuyến ống, các giếng khoan khai thác đã lâu; hệ thống lọc một số trạm cấp nước; thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm chất lượng nước... Nhìn chung, tình hình đầu tư, cung cấp hệ thống nước sạch cho người dân khu vực nông thôn được quan tâm, hệ thống cấp nước ngày càng được mở rộng, nâng cấp, tuy nhiên, vấn đề phục vụ, cung cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là chất lượng nước vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn!

Người dân phàn nàn chất lượng nước ở nông thôn kém không sử dụng trong sinh hoạt được. Ảnh: KIM NGỌC

Theo Báo cáo số 05/BC-HĐND, ngày 31/1/2024 của HĐND tỉnh, kết quả khảo sát tình hình đầu tư, mở rộng hệ thống và chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như sau: hệ thống mạng tuyến ống cấp nước ở nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều khu vực người dân có nhu cầu sử dụng nước, nhiều lần kiến nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kéo nước sinh hoạt, nhưng chưa được quan tâm triển khai đầu tư hệ thống cấp nước, như: xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị; thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt thấp. Lưu lượng, áp lực nước sinh hoạt một số nơi còn yếu, nhất là những nơi xa trạm cấp nước; vẫn còn tình trạng cúp nước ở một số nơi, nhưng hầu hết người dân trong khu vực không được báo trước... gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật trạm cấp nước tại các điểm khảo sát hầu hết chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, bể chứa nước đầu ra chưa có nắp đậy, còn nhiều rong rêu, bụi... dễ xâm nhập vào bể, ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Bằng cảm quan, đoàn khảo sát ghi nhận chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn tại các điểm được khảo sát chưa đảm bảo, người dân phản ánh nước đầu ra tại nhà thường xuyên có màu, cặn, thậm chí một số nơi có cả côn trùng, như tại ấp An Thạnh, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách... nước chủ yếu chỉ sử dụng để tắm giặt, chưa đảm bảo vệ sinh để nấu ăn. Việc tiếp thu phản ánh của người dân, thái độ phối hợp và triển khai khắc phục tình trạng chất lượng nước của nhân viên các trạm cấp nước còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt. Công tác kiểm tra, giám sát, ngoại kiểm chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh là thuộc nhiệm vụ của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chưa công khai kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại khoản 2 và 3 Điều 4 của quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT, ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chưa quan tâm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân cấp theo Quyết định số 40/2015/QĐ- UBND, ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành quy định phân cấp quản lý về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thông tư số 26/2021/TT-BYT, ngày 15/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế...; nhất là UBND cấp xã, nhiều nơi chưa nắm được nội dung quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, chưa giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của người dân mà xem đó là trách nhiệm của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn...

Từ kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế nêu trên, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khẩn trương khắc phục tình trạng nước sinh hoạt nông thôn chưa đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và phải được công bố công khai để người dân biết và các cơ quan chức năng thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên các trạm cấp nước trong việc tiếp nhận, phối hợp và khắc phục kịp thời những phản ánh của người dân về các dịch vụ cấp nước. Tập trung cân đối nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống các trạm, tuyến ống cấp nước sinh hoạt nông thôn, đáp ứng nhu cầu khai thác, vận hành, cung cấp cho người dân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, về bảo vệ môi trường...

KIM NGỌC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: