• Đời sống xã hội

Khi gió đồng ngát hương

11/02/2024 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 11/02/2024 | 04:17

STO - Đón gió bấc để được hít thở cái khí trời se se lạnh, đó cũng là một thú vui của đám nhóc tì miệt ruộng chúng tôi ngày nào. Nếu không phải là dân miệt ruộng “chính hiệu” thì bạn khó có thể cảm nhận được cái cảm giác lâng lâng khi những cơn gió bấc đầu tiên trở ngọn dập dờn trên cánh đồng lúa rực vàng đang sắp sửa thu hoạch. Trên cánh đồng lúa chín ngút ngàn ấy là nơi ghi những dấu ấn khó phai của đám trẻ ngày nào mỗi khi có “hơi hám” từng cơn gió Tết về...

NÁO NỨC ĐÓN TỪNG CƠN GIÓ BẤC

Tôi còn nhớ, mùa khô năm 1975 đến khá sớm.  Trong khi bà con ngoài chợ đang hứng chịu cái không khí oi bức thì trong quê đang đón những cơn gió nhè nhẹ bắt đầu trở ngọn. Đám trẻ chúng tôi cũng bắt đầu “toan tính” thêm những cách bắt cá bán kiếm tiền sắm đồ Tết. Khi mực nước trên ruộng càng hạ dần thì cái không khí lạnh càng lướt tới và nó không còn se se lạnh mà khiến cho những ai ăn mặc phong phanh run cầm cập.

Đám nhóc chúng tôi ngày ngày nô nức “hứng gió Đông” trên cánh đồng lúa bắt đầu ngậm sữa. Lúc này chuyện cắm câu là... chủ lực. Khi trời xế xế, những “cần thủ” hú nhau ra ruộng tìm mồi cắm. Có tên vạch các ụ đất phân hoai mục để bắt dế nhủi, rết, có tên đi dọc theo bờ mẫu bắt nhái cơm, nhái bầu... là những món khoái khẩu của đám cá lóc, cá trê, cá rô đói mồi. Khi trời ngả chiều, luồn bó câu trên tay, chúng tôi bắt đầu tản ra móc mồi cắm theo từng khu vực đã phân chia. Những tên có kinh nghiệm đầy mình thì có hơn trăm cần, còn những tên mới “nhập môn” như tôi thì chỉ năm, bảy chục cần là quá lắm rồi. Và “cần thủ” phải canh làm sao khi cắm cần cuối cùng thì trời cũng vừa sụp tối.

Một góc nơi cánh đồng xưa quê tôi. Ảnh: THIÊN LÝ

Hôm nào siêng thì kéo về nhà, còn lười thì tụ tập nơi góc vườn, nền chòi hay bờ đìa nào đó ngồi tán dóc chờ đến tầm 9 giờ tối đi thăm câu. Trên nền chòi, bờ đìa giữa đồng ấy, đôi khi là những đám lửa bập bùng từ những khúc củi khô, khi thì ánh sáng mờ ảo của những chiếc đèn khí đá đã vặn tim lửa thật nhỏ để bớt hao khí đá. Chúng tôi chờ hồi lâu ra thăm thì cá dính câu đầu hôm con nào cũng bự chảng, bỏ vào giỏ tre nhảy xoi xói, làm cho mọi người như quên đi cái lạnh đầu hôm. Nhưng “đau khổ” nhất là đi nhổ câu lúc hừng sáng, đứa nào cũng ngán phải rời khỏi chăn ấm ra ruộng.

Rồi khi, mực nước trên ruộng bắt đầu kiệt, chúng tôi lại nghĩ ra cách be hầm cho cá nhảy. Hầm cá thường làm cặp bên đường nước, miệng bưng bàu sắp cạn… là những nơi cá sẽ “di tản” vô vườn, ra sông. Hầm nhỏ chừng năm, bảy tấc vuông thì móc sâu, be miệng dụ cá trườn vô, hầm lớn thì xóc cây sao cho không bị bể hầm. Làm hầm thì hơi cực vì mình mẩy lấm lem, ướt nhẹp nhưng bù lại một đêm (kể cả đi thăm) kiếm cỡ chục ký cá là chuyện không phải là hiếm. Cứ thế, chúng tôi làm cho đến gần Tết thì mua được vài khúc vải để có được bộ đồ Tết diện lên là “bảnh tỏn”.

“PHƠI ĐÊM” NGOÀI SÂN LÚA

Tầm khoảng 20 Tết, khi mặt ruộng đã hơi khô nẻ, từng bông lúa đã chín vàng hực thì chuyện thu hoạch cũng bắt đầu. Những chủ đất có diện tích vài chục công đều tính tới chuyện làm sân lúa - một nơi vừa để phơi lúa, vừa là “trạm trung chuyển” khi đợi đến thời gian sau Tết để cộ lúa về nhà. Sân lúa thường là nơi có khoảng đất gò, khô ráo với diện tích vài trăm mét vuông. Quá trình thu hoạch, lúa được đưa về sân đổ ra thành đống cao nghều nghệu. Đám trẻ chúng tôi thường “xung phong” ngủ giữ lúa bởi một công đôi việc, vì được tự tung, tự tác với bao trò chơi của đám nhóc tì ở vùng quê. Thường thường chúng tôi tổ chức nấu nướng những món đơn giản như nấu chè đậu xanh hột vịt, rồi tôm càng nướng hay cá lóc nướng trui chấm muối ớt, cá chạch nướng chấm cơm mẻ... Thỉnh thoảng chúng tôi đặt mua vài cây bánh pía, bánh in và một bình trà tập tành theo thói quen uống trà, ăn bánh ngọt như người lớn. Hậu quả cả đêm tên nào cũng thức đến gần sáng.

Ngủ ngoài sân lúa là một “loại hình ngủ bụi, phơi đêm” đúng nghĩa nhất. Sau khi vui chơi, trò chuyện chán chê, mỗi tên tự làm “cái ụ” cho mình. “Cái ụ” là những mớ rơm được chất chồng lên và chừa một khoảng trống đủ cho một hoặc hai người chui vào. Đầu hôm thì khá nóng (do rơm tỏa nhiệt) nhưng đến tầm nửa đêm khi gió bấc càng mạnh và sương đêm xuống nhiều thì “ụ rơm” trở nên ấm áp lạ thường nên đôi khi cả bọn ngủ một mạch đến trưa mới dậy.

Câu hát “Khi gió đồng ngát hương/ rợp trời chim én liệng…” như vô tình “hâm” lại những ký ức của tôi về một vùng quê xưa ngày nào. Nơi đó, những tên nhóc tì ngày ngày tung tăng vui chơi một cách vô tư lự. Nơi đó cũng là nơi ghi dấu đầy ắp những kỷ niệm buồn vui. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, cánh đồng nửa gò, nửa bưng ngày nào giờ đã có quá nhiều biến đổi. Những Bàu Đưng, Bàu Sen, đìa Cây Còng, Bưng Lức, Bưng Lát... đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những mảnh ruộng bằng phẳng và không hề có một cọng cỏ năn, cỏ lác - một đặc sản trên cánh đồng xưa. Và trên cánh đồng lúa chín ngút ngàn này là nơi ghi những dấu ấn khó phai của đám trẻ ngày nào mỗi khi có hơi hám từng cơn gió Tết về...

THIÊN LÝ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: