• Huyện Kế Sách

Về huyện Kế Sách nói chuyện nhãn

05/09/2022 09:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 05/09/2022 | 09:19

STO - Huyện Kế Sách từ lâu được biết đến là một huyện vùng ngọt, một vựa cây ăn trái nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, với nhiều loại trái cây đặc sản, như: sầu riêng, măng cụt, bưởi... Tuy nhiên, nếu nói đến sự đa dạng về chủng loại thì nhãn đứng vị trí hàng đầu.

Nhà vườn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thu hoạch nhãn. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Cây nhãn bén duyên với vùng đất Kế Sách khá muộn so với các loại cây ăn trái khác, nhưng với đặc tính dễ trồng, cho thu nhập khá nên nhãn được trồng ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện. Tập trung chủ yếu ở các xã Phong Nẫm, Nhơn Mỹ, An Lạc Tây, Thới An Hội. Nhãn có nhiều giống khác nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về chủng loại trong bức tranh nông nghiệp của huyện Kế Sách.

Long nhãn hay còn được người dân địa phương gọi là nhãn trắng vốn được trồng rất sớm tại các cù lao thuộc các xã An Lạc Tây, Phong Nẫm. Đặc tính của giống nhãn này là mùi thơm rất đặc trưng khi chín. Nếu canh tác theo tự nhiên thì mỗi năm nhãn cho thu hoạch 1 vụ. Cây nhãn bắt đầu ra hoa từ sau tết Nguyên đán, đến khoảng tháng 5, tháng 6 (âm lịch) thì thu hoạch. Tuy nhiên, để nhãn ra hoa đồng loạt thì người trồng phải biết canh đọt, khi đọt non chuyển sang màu xanh nước biển, sờ vừa cứng tay thì người trồng phải dùng loại kéo chuyên dụng khoanh tròn vào cành để dinh dưỡng từ gốc không truyền lên tới đọt. Khi vết khoanh vừa liền vỏ thì nhãn cũng vừa ra hoa. Hoa nhãn có màu trắng rất đặc trưng. Quả nhãn lúc non thì màu xanh nhưng khi chín bắt đầu chuyển sang màu trắng vàng. Quả nhãn chín nhiều nước, ngọt đậm nhưng cơm mỏng nên ít được thị trường ưa chuộng, vì vậy mà hiện tại diện tích trồng giống nhãn này đang dần thu hẹp.

Nguyên nhân chính làm cho long nhãn mất chỗ đứng trên thị trường chính là sự xuất hiện của giống nhãn da bò. Gọi là nhãn da bò vì giống nhãn này khi ra hoa cũng màu vàng và khi trái chín cũng màu vàng như màu da bò. Tính ưu việt của giống nhãn này là cho năng suất cao, cơm dầy và ráo nước hơn long nhãn, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn, đặc biệt là tại nước bạn Campuchia. Dù vậy, cái khó của giống nhãn này là khi cây ra từ hai cơi đọt, người trồng phải xử lý gốc bằng các loại hóa chất như KCLO3 hoặc NaCLO3 làm cho đất trồng dần bị thoái hóa và tuổi thọ cây nhãn cũng giảm dần theo thời gian. Sau khi xử lý hóa chất còn phải canh đúng thời điểm khoanh vỏ nhãn tương tự như long nhãn thì cây mới ra hoa đồng loạt. Hiện tại, do sự xuất hiện của nhiều giống nhãn mới chất lượng cao hơn nên cây nhãn da bò cũng lùi về vị trí khiêm tốn.

Sau thời hoàng kim của nhãn da bò là sự xuất hiện của nhãn xuồng cơm vàng (giống này có hai loại cơm vàng và cơm trắng, chỉ giống nhãn cơm vàng mới có giá trị và được trồng nhiều). Người nông dân đã sáng tạo bằng kỹ thuật ghép cành nhãn xuồng cơm vàng trên gốc long nhãn và nhãn da bò sẵn có để nhanh cho thu hoạch. Loại nhãn này rất dễ trồng, dù năng suất không cao bằng nhãn da bò nhưng người trồng rất nhẹ công chăm sóc, giá thành lại cao. Chỉ cần bón phân, tưới nước thường xuyên tới mùa vụ là cây tự ra hoa, kết quả. Nhãn xuồng cơm vàng khi chín trái to hơn nhãn da bò, cơm dầy và giòn, ráo nước, vị ngọt thanh. Sở dĩ gọi là nhãn xuồng vì khi chín chỗ đầu cuống trái khuyết vào, hai bên nhô lên như hình chiếc xuồng.

Hiện tại, đang cạnh tranh chỗ đứng khốc liệt với nhãn xuồng cơm vàng chính là nhãn Ido hay còn gọi là nhãn Thái (có nguồn gốc từ Thái Lan). Giống nhãn này lá to và dài hơn nhãn da bò nhưng cũng tương tự như nhãn da bò là phải xử lý hóa chất thì nhãn mới ra hoa. Theo nhiều nhà nông có kinh nghiệm trồng loại nhãn này thì khi chọn giống phải chọn nhánh chiết sẽ kéo dài tuổi thọ cây hơn. Cũng như các giống nhãn địa phương, thời gian từ trồng đến thu hoạch giống nhãn này dao động từ 2 - 3 năm tùy theo kỹ thuật chăm sóc của người trồng. Giá cả nhãn Ido tương đương nhãn xuồng cơm vàng nhưng năng suất cao hơn rất nhiều lần. Quả nhãn Ido nhỏ hơn nhãn xuồng nhưng cơm khô, giòn và rất dày, độ ngọt vừa phải, rất được khách hàng ưa chuộng.

Nhắc đến Kế Sách thì không thể không nhắc đến giống nhãn tím trứ danh, xuất hiện đầu tiên trên địa bàn xã Phong Nẫm. Đây là giống nhãn đột biến gen từ giống long nhãn của địa phương nhưng điểm nổi bật là toàn bộ thân, lá, hoa, trái của giống nhãn này đều khoác lên mình bộ áo tím rất bắt mắt. Chất lượng của quả nhãn này tương tự như long nhãn nhưng giá trị của nó là ở màu sắc được khách hàng rất ưa chuộng, giá cả được xem là cao nhất trong các loại nhãn. Dù vậy, thị trường tiêu thụ của giống nhãn này vẫn còn hạn chế, chủ yếu là khách du lịch. Người nông dân trước khi lựa chọn mở rộng canh tác giống nhãn này cũng cần chú ý đến yếu tố đầu ra.

Ngoài nhãn tím có nguồn gốc từ Phong Nẫm thì trên thị trường cũng bắt đầu xuất hiện giống nhãn xuồng tím. Đây cũng tương tự như giống nhãn xuồng cơm vàng nhưng tất cả các bộ phận của cây đều màu tím, giống như giống nhãn tím ở Phong Nẫm, chỉ có chất lượng trái là giống như nhãn xuồng cơm vàng. Tuy nhiên, do mới xuất hiện trên địa bàn huyện Kế Sách chưa lâu nên năng suất và thị trường tiêu thụ của giống nhãn này vẫn còn là một dấu hỏi.

Ở Kế Sách nếu nhãn tím Phong Nẫm được xem là hoàng đế thì thanh nhãn Bạc Liêu cũng được xem là hoàng hậu trong các giống nhãn. Dù có nguồn gốc từ Bạc Liêu nhưng khi bén duyên với vùng đất Kế Sách thì giống nhãn này vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Trung bình một ký thanh nhãn có giá từ gấp 2 - 3 lần nhãn xuồng cơm vàng trở lên. Sở dĩ giá trị của thanh nhãn cao như vậy là nhờ chất lượng trái rất ngon. Quả thanh nhãn khi chín cũng to như quả nhãn xuồng cơm vàng nhưng cơm nhãn thì khô, dày và giòn, có độ ngọt thanh. Đây là giống nhãn đang hứa hẹn sẽ giúp người nông dân Kế Sách nâng cao thu nhập trong sản xuất trong thời gian tới.

Đất Kế Sách hiền hòa, người Kế Sách cần cù, chân chất, luôn năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất. Dù hiện tại, dưới tác động của biến đổi khí hậu, có thời điểm mặn đã xâm nhập tới tất cả các xã trên địa bàn huyện Kế Sách, nhưng với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện, sự nhạy bén trong lựa chọn cây trồng, vật nuôi của người nông dân, tin rằng trong tương lai không xa, người dân Kế Sách không chỉ làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình từ sản xuất mà còn từ việc phát triển kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ bởi sự đa dạng, phong phú của các loại cây trồng, vật nuôi, trong đó có sự đóng góp của đại gia đình các giống nhãn tại địa phương.

QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: