• Huyện Trần Đề

Hiệu quả từ công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Đề

29/12/2023 04:58 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 29/12/2023 | 04:58

STO - Là địa phương có tỷ lệ dân tộc Khmer chiếm gần 50% dân số của toàn huyện, thời gian qua, với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện Trần Đề giảm trên 1,5%/năm.

Chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có lao động người dân tộc thiểu số, là giải pháp quan trọng để nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Chính vì vậy, thời gian qua công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được huyện Trần Đề chú trọng, coi đây là “chìa khóa” góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề (Sóc Trăng) mở lớp dạy nghề chăn nuôi gà ở xã Trung Bình. Ảnh: CHÍ BẢO

Đồng chí Hồ Văn Liêm - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề, cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề, sau khi nguồn vốn được phân khai, trung tâm chủ động phối hợp các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Đồng thời, chú trọng liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động. Đối với lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số không có đất sản xuất thì mở các lớp dạy chăn nuôi, đan hàng thủ công mỹ nghệ… cho bà con có thu nhập sau khi học nghề. Những hộ có đất sản xuất thì mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng màu dưới chân ruộng, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản…”.

Trong năm 2023, trung tâm tổ chức được 144 lớp đào tạo nghề với trên 2.500 người tham gia, trong đó có 105 lớp nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 5 lớp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 9 lớp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; 19 lớp từ nguồn ngân sách huyện và 6 lớp từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tham quan mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Lý Thị Liễu (bìa phải), ở ấp Bưng Lức, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: CHÍ BẢO

Nhờ tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi gà mà anh Trần Sanh Nát, ở ấp Bưng Lức, xã Trung Bình, huyện Trần Đề mạnh dạn đầu tư nuôi gà để tăng thu nhập. Anh Nát chia sẻ: “Tôi học lớp dạy nghề chăn nuôi gà mỗi ngày được hỗ trợ 30.000 đồng tiền ăn và được trung tâm hỗ trợ 50 con gà để làm mô hình hướng dẫn thực hành cho học viên lớp dạy nghề. Tôi nuôi được hơn 1 tháng rồi, đàn gà phát triển tốt, 1 con đạt trọng lượng khoảng 800g. Gia đình tôi chuẩn bị chuồng trại để mua thêm 200 con gà nữa”.

Còn chị Lý Thị Liễu cùng ở ấp Bưng Lức, xã Trung Bình bộc bạch: “Nghề chăn nuôi gà thả vườn của gia đình đã nuôi từ lâu, với phương thức chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hiệu quả kinh tế thấp. Sau 1 tháng học lớp nghề chăn nuôi gà, tôi biết cách lựa chọn con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà, chẩn đoán và phòng trị bệnh tương đối tốt, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế để tái đầu tư, có ý thức cao trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng trừ dịch bệnh. Hiện nay, đàn gà 80 con của gia đình tôi phát triển rất tốt và sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư nuôi nhiều hơn để tăng thu nhập”.

Tạo sinh kế cho hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo

Tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã tận dụng nguồn thức ăn tự có, xây cất chuồng trại nuôi bò, nuôi dê để cải thiện nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Thạch Sưa, ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề đất ruộng ít, thu nhập từ việc làm nông cũng rất bấp bênh, có đứa con út bị bệnh hiểm nghèo, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, gia đình ông được chính quyền địa phương giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 15 triệu đồng, thấy công việc chăn nuôi dê ở địa phương đang phát triển và phù hợp với điều kiện gia đình nên ông Sưa đã đầu tư chuồng trại để nuôi dê. Lúc đầu nuôi vài con, dần dần thấy hiệu quả, ông Sưa tăng đàn lên hơn chục con, mỗi năm thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Đến nay, kinh tế gia đình ông Sưa đỡ vất vả hơn, đã trả xong nợ vay và tiếp tục được hỗ trợ vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Mô hình nuôi dê của ông Thạch Sưa, ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) khá hiệu quả, mỗi năm thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Ảnh: CHÍ BẢO

Đồng chí Trịnh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, để triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2023 trên địa bàn, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện từng dự án, tiểu dự án. Coi việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là đòn bẩy để giúp người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là người nghèo. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình.

Kịp thời phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương để triển khai thực hiện sau khi có quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm bắt được chính sách của Nhà nước để tham gia. Đến nay, các dự án, tiểu dự án đang triển khai một cách tích cực, tiến độ tốt. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm trên 1,5%/năm. Cụ thể, năm 2023 số hộ nghèo giảm 477 hộ, giảm 1,59%, đạt 106% kế hoạch năm; hộ Khmer nghèo giảm 293 hộ, giảm 2,09%, đạt 104,50% kế hoạch năm; số hộ cận nghèo giảm 451 hộ, giảm tương đương 1,50%. Giải quyết việc làm mới cho 3.010 lao động, đạt tỷ lệ 120,40%, trong đó 30 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng lao động ở nước ngoài, đạt 120%; dạy nghề 2.692 người, vượt 538 người.

Bên cạnh đó, địa phương còn tăng cường thực hiện một số chính sách khác như: hỗ trợ về y tế như cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số... Từ các nguồn vốn hỗ trợ triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo Thông tư số 190/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Với những giải pháp được triển khai đồng bộ từ các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tác động tích cực, hiệu quả chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Trần Đề, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: