• Huyện Trần Đề

Hội Nông dân huyện Trần Đề thực hiện tốt công tác ủy thác vay vốn chính sách xã hội

20/11/2023 04:58 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/11/2023 | 04:58

STO - Là 1 trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, làm “cầu nối” chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống...

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Đề cho biết: “Trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Trần Đề đã tích cực chỉ đạo các cơ sở hội trên địa bàn huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cùng các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm làm tốt công tác ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa huyện nhằm giúp hội viên, người dân có nguồn lực về vốn để tăng gia sản xuất, vượt khó thoát nghèo bền vững”.

Tính đến nay, Hội Nông dân huyện Trần Đề nhận ủy thác nguồn vốn cho vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện với tổng dư nợ trên 131,7 tỷ đồng, với 4.173 hộ vay; là đơn vị có số dư nợ cao nhất so với các hội khác và có tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn chung toàn huyện. Hội Nông dân huyện đang quản lý 84 tổ tiết kiệm và vay vốn, qua phân loại có 46 tổ tốt, 19 tổ khá, 18 tổ trung bình, 1 tổ yếu. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, trong quá trình hoạt động, Hội Nông dân huyện Trần Đề đưa chỉ tiêu ủy thác NHCSXH vào chỉ tiêu giao ước thi đua hằng năm với tỷ lệ nợ quá hạn là 0,5%. Đồng thời chỉ đạo hội cơ sở định kỳ hằng tháng tham gia họp giao ban với NHCSXH tại điểm giao dịch xã để báo cáo tình hình hoạt động ủy thác trong kỳ và thảo luận các chỉ tiêu đạt được trong tháng, qua đó cũng đề ra phương hướng của tháng kế tiếp để thực hiện phương án đã được phê duyệt. Sau cuộc họp giao ban, các hội ở cơ sở phải xây dựng lịch cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến đôn đốc thu hồi nợ, lãi tồn đọng, kiểm tra sử dụng vốn, tuyên truyền việc quản lý và sử dụng biên lai thu lãi… của các hộ vay vốn trong tổ.

Hằng tháng, Hội Nông dân huyện còn tham gia họp giao ban tại xã, thị trấn đầy đủ theo kế hoạch xây dựng thống nhất giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể huyện. Phối hợp với NHCSXH nắm thông tin những mặt làm được, chưa được để khắc phục xử lý; kịp thời có kế hoạch đối chiếu nợ với các tổ tiết kiệm và vay vốn khi có nghi ngờ.

Hằng tháng, hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tham gia họp giao ban tại điểm giao dịch xã đầy đủ theo kế hoạch xây dựng thống nhất giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể huyện. Ảnh: QUANG BÌNH

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, thời gian qua, Hội Nông dân huyện thường xuyên chỉ đạo hội cơ sở tập trung quản lý đầu vào, như: trước khi làm thủ tục hồ sơ vay vốn phải được tuyên truyền đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như tư vấn về phương thức làm ăn nhằm trang bị về kiến thức để sản xuất có hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn căn cứ vào báo cáo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để tổ chức kiểm tra đột xuất hoạt động của các hội cơ sở và tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động còn yếu, nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao.

Để thực hiện tốt hơn nữa tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Trần Đề sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nông dân thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch các cấp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, lãnh đạo Huyện hội chỉ đạo trong hệ thống hội từ huyện đến cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường kiểm tra giám sát, đặc biệt là giám sát công tác chấp hành tại điểm giao dịch xã. 

“Hội Nông dân huyện tham gia họp giao ban đầy đủ theo định kỳ với NHCSXH tại xã, thị trấn. Đặc biệt quan tâm công tác họp giao ban phải tuân thủ giờ giấc, đầy đủ thành phần tham dự, mời lãnh đạo Đảng ủy, UBND tham dự chỉ đạo, không để tình trạng họp trễ, các tổ trưởng ra về không họp... nhằm nắm thông tin những mặt làm được, chưa được để thống nhất đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời. Đặc biệt là phối hợp với tổ thu hồi nợ khó đòi của xã, thị trấn để giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc của hội và tổ tiết kiệm và vay vốn. Hằng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn và thành viên trong việc quản lý, bình xét cho vay, đôn đốc trả nợ, lãi, thu tiết kiệm, đặc biệt quan tâm hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động còn yếu, nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao. Phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trạm Khuyến nông, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, dạy nghề cho bà con nông dân, nhằm giúp trang bị kiến thức để sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn”, đồng chí Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: