Mắt xích yếu nhất

08/02/2024 04:44 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 08/02/2024 | 04:44

STO - Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, rất khó có thể khẳng định mắt xích nào trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm là sống khỏe nhất, nhưng nếu để chỉ ra mắt xích nào là yếu nhất, khó khăn nhất, rủi ro nhiều nhất chắc hẳn đại đa số đều có chung nhận định, đó là lĩnh vực nuôi tôm.

Ở giữa năm 2023, khi kim ngạch xuất khẩu tôm còn kém hơn 30% so cùng kỳ năm trước, các dự báo vẫn còn lạc quan, cho rằng ngành tôm vẫn có thể về đích với kết quả ước bằng 90% so năm rồi. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong 6 tháng cuối năm 2023 đã không như dự báo, nên xuất khẩu tôm Việt Nam đến cuối năm chỉ đạt 3,4 tỷ USD, tức chỉ bằng 78% so với năm 2022. Bởi vậy, nói như ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta là: “Cuối cùng thì ngành tôm cũng về đích nhưng đa phần “vận động viên” đều bị thương nhiều ít, dù đội ngũ doanh nghiệp còn khá chỉnh tề, chưa thấy ai bỏ cuộc. Cho nên, cái cần làm rõ hiện giờ là chuỗi giá trị con tôm đang ra sao, mắt xích nào khỏe và mắt xích nào đang sống trong mỏi mòn! Nếu nói sống khỏe, có lẽ không mắt xích nào dám nhận về mình, còn nếu nói sống mỏi mòn, chắc chắn là lĩnh vực nuôi tôm”.

Giảm nhỏ lẻ, tăng quy mô lớn giúp mắt xích nuôi tôm giảm thiểu rủi ro, tăng tỷ lệ thành công và hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: TÍCH CHU

Lĩnh vực nuôi tôm được xem là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, có tác động to lớn đến các mắt xích khác, như: con giống, thức ăn, chế biến xuất khẩu… Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, mắt xích nuôi tôm đang tồn tại nhiều bất ổn, khiến nhiều hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ lâm vào thế khó, nếu không muốn nói là đang sức cùng, lực kiệt, trong khi nguồn đầu tư chủ lực từ các đại lý đang bị thu hẹp dần. Cái khó của mắt xích nuôi tôm không chỉ đến từ tỷ lệ nuôi thành công thấp (bình quân chỉ trên 40%), mà còn đến từ việc thiếu vốn để cải tạo, nâng cấp mô hình, để có quyền chọn lựa cho mình con giống, vật tư đầu vào chất lượng cao với giá thành hợp lý. Và cũng chính vì thiếu vốn phải mua con giống, vật tư đầu vào giá cao (15 - 25%), cùng với đó là dịch bệnh mới thường xuyên xuất hiện, nên giá thành sản xuất luôn ở mức rất cao. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm giảm mạnh, kéo dài gần như suốt cả vụ nuôi, khiến nhiều hộ nuôi không có lợi nhuận, một số bị thua lỗ chưa biết lấy gì đầu tư cho vụ nuôi mới khi mà hầu hết các đại lý đều đang thu hẹp phạm vi đầu tư.

Nói về khó khăn của lĩnh vực nuôi tôm, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ trong vụ nuôi 2023 vừa qua, ông Lực ví von là “ba xôi nhồi một chõ”, nên các hộ nuôi nhỏ lẻ đang sức cùng lực cạn lấy gì chống chọi để tồn tại đây! “Một mắt xích đứt thì chuỗi giá trị ngành hàng tôm cũng bị tác động to lớn theo chiều không tốt. Cơ quan chức năng liên tục họp bàn lo chống đỡ dịch bệnh trên tôm nuôi là rất tốt. Nhưng cơ quan chức năng cũng hết sức quan tâm làm sao nâng tỷ lệ nuôi thành công thông qua kiểm soát tốt hơn con tôm giống cũng như nguồn nước sạch đủ cho nuôi tôm thì càng căn bản hơn” - ông Lực đề xuất.

Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, ngày 9/1/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có Công văn báo cáo số 01/BC-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản 2023 - cơ hội, thách thức trong 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng. Theo đó, VASEP báo cáo Thủ tướng về thực trạng giá thức ăn đang cao, tác động rất lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu - là một nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác (Ecuador, Ấn Độ…); đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát về giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, VASEP còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.

Trên chặng đường vượt khó, một trong những giải giúp pháp nâng cao năng lực cạnh tranh được ngành tôm áp dụng mang lại hiệu quả tích cực đó là đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, trong khi mắt xích chế biến, xuất khẩu đã vươn tầm đẳng cấp thế giới thì mắt xích nuôi tôm vẫn chưa thoát khỏi thực trạng tỷ lệ thành công thấp, giá thành cao. Theo báo cáo của VASEP, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Còn theo ông Lực, trước thực trạng của chuỗi ngành hàng tôm như hiện nay, lĩnh vực chế biến phải nỗ lực vươn tầm hơn nữa thông qua tìm khách hàng, thị trường, mặt hàng mới, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Qua đó có lợi nhuận tốt hơn để chia sẻ với lĩnh vực nuôi thông qua giá mua tôm thương phẩm. Ông Lực chia sẻ: “Thật ra, cũng cần người nuôi tôm tỉnh táo hơn, tổ chức sản xuất trong khả năng, những gì rủi ro lớn không nên theo đuổi. Nói chung, đạt kết quả ngành năm 2023 thấp và ngành đang yếu hơn, cái yếu đó cơ bản xoay quanh mắt xích nuôi tôm”.

Lạm phát tăng cao tại các thị trường chính khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Sản lượng tôm toàn cầu tăng, sản xuất và xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh. Đây được coi là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm sụt giảm trong năm 2023. Kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, chiến tranh Nga - Ukraine vẫn kéo dài, xung đột Israel - Hamas đang tiếp diễn, căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng. Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh, trong đó có tôm Việt Nam. Tôm Việt tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, giá tôm thế giới chưa thể phục hồi nhanh do tồn kho còn nhiều. Chi phí thức ăn nuôi tôm lớn và tăng cao, đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát. Tất cả đã, đang và sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra cho ngành tôm trong năm 2024.

Trước thực trạng trên, ngành tôm cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi, nhất là mắt xích nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành ổn định, để từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: