Sống trọn đam mê với nghề Thi hành án dân sự

03/01/2023 06:18 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/01/2023 | 06:18

STO - Khép lại một năm công tác, càng khắc sâu niềm đam mê, sự cống hiến cháy bỏng pha lẫn cảm xúc hạnh phúc vô bờ bến của anh Phan Hoàng Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) khi nói về nghề mình đeo đuổi.

Nhìn lại 28 năm gắn bó với nghề, anh Thắng cảm thấy yêu và tự hào về công việc mà Đảng, Nhà nước đã giao cho mình. Trong mắt của nhiều người, có lẽ đây là công việc “hao tâm tổn trí”, vì quá phức tạp, mệt mỏi, dễ đụng chạm. Nhưng với quan điểm chỉ cần mình làm hết trách nhiệm, phát huy hết khả năng vì công việc chung và tuân thủ theo quy định pháp luật thì không có gì phải băn khoăn. Nhờ vậy, dù ở bất cứ vị trí nào anh cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tạo sự tin tưởng của lãnh đạo, sự đánh giá cao của các ngành, các cấp, sự kính nể của đồng nghiệp và sự tin yêu của nhân dân.

Nhớ lại những năm mới về ngành với vai trò nhân viên công tác tại đơn vị huyện Thạnh Trị, anh Thắng thấy cái gì cũng lạ lẫm, tò mò và muốn lăn xả để tìm hiểu, nghiên cứu. Những năm 1995, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự không nhiều, đầy đủ như hiện nay nhưng cũng đủ khiến một người mới vào nghề phải “điêu đứng”. May mắn có được sự định hướng nhiệt tình của những người đi trước, anh bắt nhịp từ cái đơn giản đến phức tạp, từ lý thuyết đi đôi với thực hành. Tất cả đã nâng bước, khiến anh bản lĩnh, tự tin với vai trò chấp hành viên. Theo chia sẻ của anh Thắng, việc thi hành án thời ấy khá thuận lợi, vì lượng án thụ lý không cao, các tranh chấp trong nội bộ nhân dân thường đơn giản, tài sản thi hành nhỏ lẻ và thường hẹn đến vụ lúa là đương sự tự nguyện thi hành. Chấp hành viên chỉ cần dùng sự chân thành, vận động, thuyết phục bằng cái tình, cái nghĩa nên rất ít vụ việc huy động lực lượng tiến hành cưỡng chế.

Anh Phan Hoàng Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng. Ảnh: SỚM MAI

Vào năm 2004, anh Thắng giữ vai trò quản lý thì càng phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với lại, do nhu cầu tất yếu của xã hội và sự phát triển kinh tế kéo lượng án thụ lý ngày một tăng, tính chất ngày càng phức tạp, giá trị thi hành lớn; còn hệ thống văn bản pháp luật có liên quan khá nhiều, bắt buộc mỗi cán bộ thi hành án phải không ngừng vận động. Đặc biệt, năm 2017, anh được điều động về công tác tại đơn vị Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng với lượng án khủng, địa bàn mới cần phải làm quen… Nhưng tất cả không thể làm khó được người xem công việc “là máu, là lẽ sống” như anh.

Sau bao năm từng trải, anh đúc kết kinh nghiệm bản thân là một chấp hành viên phải nghiên cứu hồ sơ thật kỹ trước khi đưa vụ việc ra thi hành và đây là "bí kíp" thứ yếu và vận động, thuyết phục chính là "độc chiêu" để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong giải quyết án, cần nắm rõ tình tiết vụ việc, định hướng được cách xử lý công việc. Sau đó, bắt buộc phải tiến hành xác minh thực tế thì mới tìm được hướng giải quyết và quan trọng hơn phải tăng cường động viên, thuyết phục thì mới giải quyết được án. Nghe thì đơn giản nhưng để trở thành người “hòa giải viên” giữa hai bên đương sự để tìm tiếng nói chung trong giai đoạn thi hành án thì không hề đơn giản. Cho nên ở mỗi tình huống, anh Thắng phải linh động áp dụng nhiều “tuyệt chiêu” khác nhau: Có những trường hợp, anh vừa tiến hành phân tích, giải thích thấu tình, đạt lý kèm theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”; có khi anh nhờ sức mạnh của đoàn thể, chính quyền địa phương; hay nhờ người có uy tín địa phương, người thân của đương sự tác động trực tiếp vào… Vì anh Thắng nghĩ, con người ai cũng có tình cảm, chỉ cần ta nói đúng, nói phải và nói mãi họ sẽ nghe. Song song việc nói đúng, anh Thắng còn bắt buộc mình phải luôn làm đúng, gương mẫu trong thi hành nhiệm vụ; đặt quyền lợi, lợi ích của đương sự lên hàng đầu.

Dạo gần đây, anh Thắng còn “xin” chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền có chính sách hoặc tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người phải thi hành án gặp khó khăn để họ “yên tâm” thi hành. “Đương sự ổn định được cuộc sống gia đình là quá tốt rồi. Tôi lo lắng nhất là sau khi thi hành án, đương sự sẽ rơi vào khó khăn, bước đường cùng” - nỗi lòng của anh Thắng sau mỗi bản án phải thi hành.

Đối với vai trò là người quản lý, anh Thắng đã tập hợp, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ đơn vị và đây là sức mạnh lớn nhất giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở anh, khi tiến hành phân công nhiệm vụ luôn có sự nhiệt tình và hướng dẫn chu đáo những quy định pháp luật; thường xuyên kiểm tra và theo sát quá trình xử lý án của chấp hành viên để có phương hướng chỉ đạo giúp họ xử lý kịp thời các tình huống khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành án. Nhưng anh cũng khá nghiêm khắc mỗi khi có cán bộ, công chức sai phạm hoặc để xảy ra thiếu sót về mặt nghiệp vụ. Khi đó, anh Thắng chân tình, thẳng thắn góp ý, chỉ ra những cái sai của đồng nghiệp để mọi người rút kinh nghiệm và đề ra hướng khắc phục ngay trong công tác chuyên môn…

Trong xã hội, nghề chính đáng nào cũng đều cần được trân quý, chỉ cần ta làm việc hết mình, cống hiến hết sức sẽ được ghi nhận và quan trọng ta sẽ tìm thấy được ý nghĩa, lý tưởng, sự đam mê với nghề. Tiễn năm cũ, đón chào năm mới, mọi người sẽ có thời gian ngẫm nghĩ và suy tính về những điều nên làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên nhưng đừng quên sống trọn với đam mê đã đeo đuổi mà anh Thắng muốn gửi gắm.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: