• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Cảng biển Trần Đề “vẫy gọi”

11/02/2024 06:10 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 11/02/2024 | 06:10

STO - Cảng biển Trần Đề là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển. Sóc Trăng hiện đang kêu gọi đầu tư cảng biển này nhằm góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.

ƯU TIÊN THU HÚT ĐẦU TƯ XÂY CẢNG BIỂN TRẦN ĐỀ

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023. Theo đó, Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển Cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước. Vì vậy, Cảng biển Trần Đề, hệ thống hạ tầng sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển phù hợp với năng lực nhà đầu tư và nhu cầu phát triển.

Vị trí dự kiến đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phát triển, thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề. Quy hoạch cảng Trần Đề được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021. Công trình có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng khoảng 100.000 DWT (tương đương 100.000 tấn), tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn mỗi năm. Cụm cảng Trần Đề sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại ĐBSCL mà không phải chuyển đến Vũng Tàu. Vị trí cảng hiện kết nối với sân bay Cần Thơ, Quốc lộ 1 và đường Nam Sông Hậu, thuận lợi để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn trở lên… Chính vì thế, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn để thực hiện việc xuất - nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL là hết sức quan trọng. Việc đầu tư Cảng biển Trần Đề là vô cùng cần thiết, là giải pháp tối ưu để phát triển vùng… Đây cũng là cánh cửa đưa khu vực này vươn ra thế giới.

CẢNG TRẦN ĐỀ SẼ GIÚP DOANH NGHIỆP GIẢM NHIỀU CHI PHÍ, RỦI RO

Trước thông tin về việc ưu tiên thu hút đầu tư xây Cảng biển Trần Đề, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng hết sức vui mừng. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, hơn 27 năm qua, công ty phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì cung đường vận chuyển khá xa, phí vận chuyển 2 chiều lên đến 700 USD mỗi chuyến cho container. Nhưng điều đáng ngại là quãng đường khá xa đó tiềm ẩn nhiều rủi ro như kẹt xe, sự cố giao thông... nên có thể hàng không tới cảng kịp thời, gây thiệt hại cho hoạt động.

“Khi nghe quy hoạch cảng nước sâu tại huyện Trần Đề, chúng tôi hết sức vui mừng. Thời điểm này, doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu mỗi năm từ 1.500 container lạnh. Tính ra, nếu có cảng này doanh nghiệp giảm phí vận chuyển mỗi năm ít nhất 15 tỷ đồng, chưa kể các lợi ích khác về chiều sâu, như: giảm áp lực rủi ro hàng trên đường, tăng niềm tin của các đối tác trong giao nhận hàng hóa và sâu xa hơn nữa là có cảng sẽ thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội cả vùng”, ông Hồ Quốc Lực cho biết thêm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Đại diện Tập đoàn T&T cho rằng, cảng Trần Đề gần với các tuyến đường biển quan trọng, nằm trong khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ gắn với vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các ngành công nghiệp. Cảng Trần Đề sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối toàn bộ vùng cực nam Tổ quốc với tuyến hàng hải quốc tế, là cơ hội mở rộng cánh cửa giúp ĐBSCL đột phá vươn ra thế giới. Còn ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định, thực tế cho thấy, việc hàng hóa từ ĐBSCL về Thành phố Hồ Chí Minh không phát huy được thế mạnh của hệ thống đường thủy nội địa trong vùng. Để tháo gỡ nút thắt, giảm chi phí logistics của vùng tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, cần thiết phải hình thành một cửa ngõ vùng ĐBSCL tại ngoài khơi của Trần Đề.

MẢNH GHÉP ĐỒNG BỘ HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỂ VƯƠN RA BIỂN LỚN

Thời gian qua, khu vực ĐBSCL đạt được kết quả khá toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa phát triển đồng đều, thiếu tính liên kết, chưa có cảng cửa ngõ và các trung tâm logistics…

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, hơn 70% hàng xuất khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn tới tăng chi phí, mất nhiều thời gian, giảm tính cạnh tranh, chất lượng hàng hóa. Thời gian gần đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung nguồn lực đầu tư khu vực ĐBSCL, nhất là về hạ tầng giao thông. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg, ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng. “Những định hướng và chủ trương trên là căn cứ quan trọng để hình thành cảng Trần Đề, với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL - đây là mảnh ghép hoàn hảo giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định.

Để triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã và đang khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề. Đồng thời tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối và phát huy hiệu quả, đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng biển Trần Đề.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ban ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển cho hiện tại và tương lai, nhất là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng... là tiền đề, sự kết nối nhằm thúc đẩy tạo nên thành công của Cảng biển Trần Đề.

“Với quyết tâm cao nhất, Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành Cảng biển Trần Đề. Theo đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư Cảng biển Trần Đề. Tỉnh Sóc Trăng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quá trình kêu gọi đầu tư và tham gia đầu tư Cảng biển Trần Đề, nhằm góp phần đưa khu vực ĐBSCL phát triển về kinh tế, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước”, đồng chí Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: