• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Đảo Ngọt nơi có 3 cửa sông lớn

Kỳ 1: Đảo Ngọt ngày ấy

30/01/2022 11:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 30/01/2022 | 11:50

STO - Dọc theo tuyến đường Nam Sông Hậu đầy huyền thoại còn lưu dấu ấn đến hôm nay, ở giữa dòng sông Hậu chở nặng phù sa có rất nhiều dải đất cù lao xanh bạt ngàn cây trái. Từ bên bờ nhìn qua, trông các dải đất này giống như những “ốc đảo xanh” giữa sông nước mênh mông với bốn bề biển nước và lộng gió. Trong số đó, lớn nhất là Cù Lao Dung mà những bô lão địa phương quen gọi là Đảo Ngọt với đơn vị hành chính cấp huyện có 8 xã, thị trấn nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp với biển Đông. Vùng đất này khá đặc biệt, gắn với nhiều chiến tích trong hai cuộc kháng chiến cứu nước khiến quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến; cũng gắn với không ít câu chuyện ly kỳ về chúa Nguyễn Ánh trong hành trình bôn tẩu và khai phá đất phương Nam, ngày nay vẫn còn tên gọi những địa danh ấy...

Tương truyền khi xưa, cù lao này bốn bề biển bao bọc, nước mặn xâm lấn nên đất đai cằn cỗi hoang hóa, không thể trồng trọt hay chăn nuôi hoặc là không đủ nước ngọt để sinh hoạt hàng ngày. Đời sống của những lưu dân cư ngụ nơi đây đời này qua đời khác đều lao đao, khốn đốn, nhất là khi mùa gió chướng tràn về. Khi đó, có một đạo sĩ từ vùng Thất Sơn đi qua sông Hậu bằng chiếc nón lá đến với cù lao này, cám cảnh trước đời sống người dân khổ sở nên đã “hóa phép” làm cho toàn bộ đảo đầy ắp nước ngọt quanh năm nên người dân xứ cồn trân trọng gọi là Đảo Ngọt. Ngày nay, ít người còn nhớ đến truyền thuyết này mà chỉ gọi theo tên hành chính hiện thời.

Khánh thành lưới điện kéo về 4 xã cù lao.

Khi nhắc tới vùng châu thổ Nam Bộ, người ta thường liên tưởng đến 9 nhánh sông của sông mẹ Mê Kông đổ ra biển Đông, được ví là Cửu Long giang hay được thể hiện trên văn bản hành chính là đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua hàng trăm năm của biến động địa chất, thời tiết, 9 nhánh sông này đã không còn nguyên vẹn là 9 con rồng nữa mà đã có sự biến thiên đáng kể. Đảo Ngọt ở Sóc Trăng là nơi duy nhất có tới 3 cửa biển trong số 9 cửa biển hình thành nên Cửu Long giang đổ thẳng ra biển Đông được ghi danh trong sử sách xưa. Hiện nay, nơi đây chỉ còn 2 cửa biển là cửa Định An giáp ranh với tỉnh Trà Vinh và cửa Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng, còn cửa biển Ba Thắc nằm giữa và chia Đảo Ngọt ra làm 2 phần đã bị dòng chảy, phù sa bồi lắng làm biến dạng, chỉ còn lại là con rạch nhỏ chảy ra sông Hậu cách với cửa biển Trần Đề không xa. Dấu tích của cửa biển Ba Thắc xưa, giờ là con rạch Cồn Tròn chảy từ Vàm Hồ vào đến Khém Sâu. Tên gọi Đảo Ngọt thuở xa xưa ấy, giờ chính là huyện Cù Lao Dung nằm giữa dòng sông Hậu mênh mang, hiền hòa với đặc thù là vùng nước ngọt, vùng nước lợ và cả vùng nước mặn.  

Trong nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của xứ Ba Thắc ngày xưa và nay là tỉnh Sóc Trăng, địa danh Cù Lao Dung được đề cập khá nhiều trong văn bản hành chính của thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc với các tên gọi khác nhau như Huỳnh Dung Châu (theo Di cảo của Trương Vĩnh Ký). Từ đó đến nay chưa có một cách giải thích nào đúng ý nghĩa của tên Huỳnh Dung Châu. Cùng với tên gọi Huỳnh Dung Châu, xưa kia còn có tên gọi là Cù lao vuông - tên gọi này đặt theo cảm nhận về hình thể vị trí của một vùng đất mới vừa phát tích nhưng khi nhìn vào bản đồ địa lý tỉnh Sóc Trăng năm 1909 thì hình thể của vùng đất này không hề giống với thực tế của tên gọi lúc đó. Cũng có giả thuyết cho rằng, trong tiến trình khai phá vùng đất mới, thời kỳ đầu, khi mõm đất đầu tiên đã nhô lên khỏi mặt nước và lúc này Cù Lao Dung chưa có dấu chân người mà nơi đây là nơi trú ngụ của loài cọp vùng sông nước. Những năm đó, người dân trong vùng xung quanh thường thấy những con cọp hay mon men xuống mé rạch, mé sông để săn mồi, thỉnh thoảng lại thấy chúng “thả bè” qua Vàm Tấn (thị trấn Đại Ngãi ngày nay) hoặc qua cồn Mỹ Phước của huyện Kế Sách, rồi sau đó chúng lại kéo nhau trở lại vùng đất cù lao này là nơi trú ngụ chính. Vì thế, người dân nơi đây gọi là cù lao Ông Cọp hoặc cù lao Hổ Châu; lại còn có tên là cù lao Cồng Cộc hoặc cù lao Chàng Bè là tên gọi của loài chim chuyên ăn cá, có bộ lông đen, chân dài, thân lớn, có biệt tài săn cá dưới sông nước, biển cả rất giỏi. Ngày nay loài chim này hầu như không có trong vùng đồng bằng Nam Bộ. Cũng theo giả thuyết nêu trên, những cư dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất Cù Lao Dung là người miệt trên len lỏi vào nội địa vùng Ba Thắc bằng đường biển và đã dừng chân tại đây để bắt đầu cuộc mưu sinh gian khổ. Người đến trước rước người đến sau, họ quy tụ cùng nhau, đùm bọc nhau từng bước cải tạo vùng đất mới đầy hứa hẹn cho cuộc sống trù phú ở tương lai.

Cù Lao Dung trước kia chỉ có 3 làng là An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì và An Thạnh Tam (3 địa danh này được ghi lại trong địa danh Trương Vĩnh Ký), với 3 cửa biển Định An, Trấn Di (nay là cửa Trần Đề) và Ba Thắc. Trong thời kỳ bôn tẩu ven các vùng biển phía Nam, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã có một thời gian khá dài nương náu nơi đây. Những con rạch nơi chúa Nguyễn trú ngụ được người dân địa phương gọi là rạch Long Ẩn (nơi vua trú ngụ), rạch Trường Tiền (xưởng đúc tiền lưu hành trong quá trình bôn tẩu), Cồn Chén vẫn là tên gọi cho đến hôm nay.

Khi chưa tách lập huyện mới Cù Lao Dung, vùng đất cồn này thuộc huyện Long Phú với 4 xã: An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì, An Thạnh Ba, Đại Ân 1 và Nông trường 30-4 do anh hùng lao động chân đất Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) tạo lập nên. Mô hình của nông trường này là lấy từ mô hình Nông trường Sông Hậu của tỉnh Hậu Giang cũ, xung quanh được kênh rạch và biển bao bọc. Tôi đã nhiều lần qua đây công tác và ngủ lại đêm ở nông trường, nói chuyện “trên trời dưới đất” thâu đêm với bác Năm Hoằng mới thấy hết giá trị của nó mang lại. Tuy nhiên, sau này khi nông trường giải thể thì xảy ra nhiều vụ tranh chấp...

Cuối năm 1998, Sóc Trăng kéo điện lưới quốc gia bằng 2 trụ điện cao hơn 90m vượt sông Hậu về 4 xã cù lao, phục vụ hơn 4.000 hộ khi đó. Hàng trăm năm nay đâu ai nghĩ rằng sẽ có điện thắp sáng vùng quê sông nước này, có chăng chỉ là trong những giấc mơ. Thế mà bây giờ đã trở thành hiện thực. Tôi nhớ như in cái ngày hôm đó, tôi cũng có mặt trên cù lao chờ đợi giây phút “của những giấc mơ” tại nhà ba nuôi ở rạch Long Ẩn trên đầu cồn. Ai cũng hồi hộp, nín thở chờ đợi và rồi vỡ òa lên, reo vui khắp dải đất cồn.  

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG (Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: