• Thị xã Ngã Năm

Đẩy côn mùa nước nổi

07/11/2022 03:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 07/11/2022 | 03:50

STO - Mùa nước nổi về cũng là lúc người dân miền Tây tất bật mưu sinh với công việc đánh bắt thủy sản. Ở vùng trũng thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thời điểm này, nước ngập tràn trên những cánh đồng đã gặt, nguời dân bắt đầu với nghề bắt cá đồng như giăng lưới, cắm câu… Theo đó, công việc đẩy côn được xem là kiếm được thu nhập khá nhất.

Đẩy côn - nghề đặc trưng của vùng trũng Ngã Năm (Sóc Trăng) vào mùa nước nổi. Ảnh: BÍCH PHƯỢNG

Mùa nước nổi ở thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng muộn hơn so với Đồng Tháp, An Giang. Vì vậy nghề đẩy côn cũng bắt đầu trễ hơn. Thông thường khoảng tháng 7 kéo dài đến giữa tháng 10 (âm lịch). Ông Lưu Bình, ở ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Quới đã làm nghề đẩy côn trên 20 năm. Năm nào cũng vậy, khi đến mùa nước nổi là ông ra đồng đẩy côn từ sáng sớm cho đến chiều mới về. Đồng ngập sâu nước, nguồn cá tự nhiên nhiều do đó hàng ngày ông có thu nhập khá cao từ nghề đẩy côn. Ông Bình cho biết: “Tranh thủ nước lên, tôi đi đẩy côn bắt cá, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Năm nay, nước về nhiều, cá cũng nhiều theo. Vào đầu mùa nước nổi (tháng 7 âm lịch) trung bình một ngày cũng khoảng 7 - 8kg cá, còn vào cuối vụ cũng từ 3 - 4kg. Hiện nay, cá được thương lái mua với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, tính ra cũng có thu nhập vài trăm ngàn đồng”.

Ở xã Vĩnh Quới - nơi được xem là vùng trũng của thị xã Ngã Năm, không riêng gì ông Lưu Bình mà có đến vài chục hộ khác cũng mưu sinh mùa nước nổi từ nghề đẩy côn. Cứ sáng sớm, mọi người ra đồng bắt cá, trưa nghỉ ngơi một chút, chiều lại tiếp tục cho đến lúc trời sụp tối. Đẩy côn không chỉ có thêm thu nhập mà còn cải thiện bữa cơm gia đình. Như anh Lý Thanh Dũng cũng đã có mặt trên đồng nước Ngã Năm từ khi nước tràn đồng đến nay. “Mỗi ngày, với chiếc xuồng và giàn côn, gia đình anh kiếm được từ 5 - 6kg cá. Bình quân mỗi ngày thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Với thu nhập này thì gia đình cũng dễ thở, bữa cơm của mấy đứa nhỏ có thêm được vài món ngon” - anh Dũng chia sẻ.

Công cụ hành nghề đẩy côn chỉ là 1 cái nôm và 1 chiếc xuồng để chở giàn côn. Khi những thanh côn chạm vào cá thì cá chúi xuống bùn, lúc này chỉ cần dùng nôm để bắt cá. Cá được đánh bắt từ côn phần lớn là cá lóc có trọng lượng lớn. Cá nhỏ thường không bị dính nên hạn chế được tình trạng đánh bắt cá con. Ngoài ra, nghề đòi hỏi phải có sức bền để đẩy nước hết cánh đồng này qua cánh đồng khác. Dẫu có nhọc nhằn nhưng nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thị xã Ngã Năm nói riêng vẫn chọn đẩy côn làm nghề để mưu sinh trong mùa nước nổi, bởi nghề này không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng giúp mọi người có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn để chờ con nước rút bắt đầu một vụ mùa mới đón Tết.

Đẩy côn là nghề hình thành từ sáng kiến nghĩ ra cách bắt cá mà không tận diệt của cư dân đồng bằng châu thổ. Tại một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tổ chức hội thi đẩy côn nhằm góp phần gìn giữ nghề truyền thống. Qua đó tuyên truyền người dân trong việc đánh bắt gắn với việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

BÍCH PHƯỢNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: