Dùng văn hóa để phát triển văn hóa thì không sợ thiếu tiền

14/05/2024 16:48 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP Online
  • Thứ Ba, 14/05/2024 | 16:48

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhìn nhận, phát triển công nghiệp văn hóa là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có thể tạo ra giá trị gia tăng to lớn.

Dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 vừa được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-5.

Tờ trình đã nêu rõ một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn. Đáng lưu ý, ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo…

Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Hàng năm, có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, Chính phủ cần làm rõ căn cứ để đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Tuy nhiên, cần thiết kế lại hệ thống các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026 trở đi, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả. Cũng cần lựa chọn kỹ, không đưa vào chương trình này các nhiệm vụ thường xuyên mà chỉ lọc ra những dự án trọng điểm, đột phá, khó thực hiện theo phương pháp bình thường”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Đặc biệt quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhìn nhận, đây là xu thế của thời đại, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có thể tạo ra giá trị gia tăng to lớn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. “Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy dùng văn hóa để phát triển văn hóa thì không sợ thiếu tiền”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Quan tâm đến đề xuất xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị lý giải chặt chẽ hơn, cụ thể hóa những tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng. Tổng Thư ký Bùi Văn Cường góp ý: “Đây là nội dung nằm ngoài Luật Đầu tư công, nên phải được quy định rõ ràng trong luật này”.

ANH PHƯƠNG/BÁO SGGP

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: