Món ăn nhà làm đậm đà hương vị quê hương

13/02/2024 04:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 13/02/2024 | 04:01

STO - Trong bàn tiệc mời khách những ngày Tết không thiếu món dưa, món mắm. Bởi hương vị đặc trưng nên gia chủ và thực khách khá yêu thích. Thưởng thức từng “đặc sản” không chỉ vừa đỡ ngấy những món thịt, chả ê hề ngày Tết mà còn gợi nhớ về vùng nông thôn với nhiều sản vật trù phú, dùng tươi không hết đem đi làm dưa, làm mắm.

Từ món ngon nhà làm…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Trần Hồng Ni giới thiệu, muốn tìm mua mắm tép ngon thì xuống xã Ngọc Đông, ở đó nhiều hộ làm bán lắm. Sản phẩm làm nhà nên mỗi nơi có hương vị đặc trưng khác nhau, mà đặc biệt là những keo mắm có màu “tép luộc” khá đẹp mắt. Thế là, ngày cuối tuần, trời xanh nắng ấm, tôi có chuyến đi về Ngọc Đông và gặp các chị “khéo tay” giới thiệu các sản phẩm nhà làm. Hỏi ra mới biết, cách chế biến không phải gia truyền mà được các chị học hỏi, sáng tạo thêm khi thưởng thức món ngon ở đâu đó. “Nhìn từng món dưa, món mắm tưởng làm đơn giản nhưng khá kỳ công đó nghe” - chị Đỗ Thị Bé Tư, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Bé Tư, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) (bìa trái) chia sẻ bí quyết làm món dưa ngon. Ảnh: NGỌC HẢI

Để minh chứng điều vừa nói, chị Bé Tư liệt kê: “Nguyên liệu làm các món này phải tươi, ngon. Hơn 2 năm nay, nhà tôi chuyên kinh doanh mắm tép, gần Tết này có làm thêm món dưa kiệu, dưa món (cà rốt, đu đủ, củ cải trắng) để bán. Phần tép mua tại địa phương nên độ tươi thì khỏi bàn. Phần củ, quả, tôi đi chợ chọn lựa kỹ càng. Con tép không phải bỏ đầu là xong mà lấy chỉ tép (đường chỉ trên lưng tép) cho sạch. Công đoạn này không cực mà mất thời gian. 1kg tép sau khi sơ chế còn tầm 450g. Các loại rau củ làm dưa, tôi cũng cắt, tỉa tỉ mỉ sao cho đẹp mắt”.

Và cái kỳ công của chị còn nằm ở công đoạn nước ngâm trong keo mắm. Nhiều người trộn gia vị vào tép, rau củ rồi phơi nhiều nắng cho tới khi dùng được. Còn chị Bé Tư thì thêm công đoạn nữa. Khi gia vị hòa tan, chị chắt hết nước trong mắm, lược bỏ phần cặn, nấu lại lần nữa. Như vậy nước trong keo mắm trong, nhìn ngon và giữ được độ ngon của món ăn. Hỏi về đầu ra, chị đáp: “Nhà tôi có mở tiệm tạp hóa nên trưng bày bán cho khách qua đường, rồi bỏ mối bán ở thành phố Sóc Trăng. Tôi làm sản phẩm theo đợt, bán hết đợt này mới làm đợt nữa, không để tồn hàng. Ngày Tết bán mặt hàng dưa, mắm khá chạy. Bán nhiều năm, tôi cũng có khách mối, thích sản phẩm tôi làm. Đồ làm nhà bán tôi không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản. Mắm tép màu đỏ đẹp mắt là do mình có bí quyết riêng, chứ không phải ướp màu mè gì đâu. Còn dưa thì giòn, đó là sự khéo tay mà thôi”.

… đến “đặc sản” OCOP

Hơn 7 năm xây dựng “thương hiệu” mắm tép Cô Đợi, chị Lê Thị Đợi, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông không ngừng nâng chất sản phẩm, thay đổi nhãn mác đẹp mắt. Do sản phẩm làm nhà nên chị rất “chiều khách”. Chị Đợi chia sẻ: “Khách muốn ăn ngọt hay có vị chua, tôi cũng nhận làm”. Theo chị Đợi, trong dịp tình cờ xuống nhà bạn chơi, thấy món mắm tép ngon, chị hỏi cách làm rồi về nhà mày mò làm theo. Từ làm ăn ở nhà, rồi chị biến tấu thêm để kinh doanh món mắm tép. Nhờ khéo làm nên mắm tép Cô Đợi được nhiều người thích dùng. Thấy vậy, chị dồn hết tâm sức vào sản phẩm này và học kinh doanh để món mắm tép Cô Đợi “vượt rào” đi xa hơn.

Chị Lê Thị Đợi, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) (bìa trái) ăn nên làm ra nhờ món mắm tép nhà làm. Ảnh: NGỌC HẢI

Chị Đợi kể: “Ban đầu là bán tại địa phương, sau ký gửi bạn bè đem bán, bán qua online, giờ sản phẩm của tôi không chỉ có mặt tại thị trường Sóc Trăng mà còn có bán ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cà Mau… và có khách đặt chuyển ra nước ngoài. Phấn khởi hơn là năm 2023, sản phẩm nhà làm của tôi đã vào căn nhà chung OCOP và là sản phẩn OCOP (3 sao) đầu tiên của xã Ngọc Đông”.

Trước đây, ngày thường chị bán mắm tép tầm 50 - 60kg. Khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP và vào thời điểm cận Tết, mỗi ngày chị xuất bán tầm 200kg. Theo chị Đợi, ngày xưa, thu nhập chính của chị để nuôi các con từ nguồn bán tạp hóa, nay món mắm tép này trở thành nguồn thu nhập cao của chị.

Chị Trần Hằng Ni khẳng định, nhiều hội viên, phụ nữ rất khéo tay, mê làm, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, hương vị đặc trưng. Hội cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tạo cơ hội cho hội viên đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Không chỉ nâng cao thu nhập hội viên mà còn giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Sản phẩm nhà làm vốn đã là “thương hiệu” được người tiêu dùng ưu ái. Bởi món ăn đó có vị đặc trưng. Và món dưa, món mắm cũng trở thành món ngon trong bữa cơm, buổi tiệc, làm nhiều người mê đắm, ăn hoài không chán.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: