Nghị lực vươn lên

18/04/2024 04:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 18/04/2024 | 04:01

STO - Luôn giàu nghị lực, có ý chí vươn lên trong cuộc sống và lạc quan về tương lai phía trước, là những điều tôi cảm nhận được ở những người tuy khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng không khuyết sự quyết tâm. Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng vẫn hướng về phía trước với sự lạc quan, “tự mình đứng trên đôi chân của mình”, đón ánh bình minh.

Cô sinh viên với ước mơ chăm sóc sức khỏe cho mọi người

Em Danh Lý Xuân Kiều hiện là sinh viên năm 2 ngành Dược, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng. Khi còn học phổ thông, em đã ước mơ học ngành này vì được sự định hướng của người thân và em cũng mong muốn chăm sóc sức khỏe của mọi người. Tuy bị khuyết tật từ nhỏ nhưng Xuân Kiều không ngừng mơ ước, tự lực, không muốn làm gánh nặng cho gia đình.

Em Danh Lý Xuân Kiều - sinh viên ngành Dược, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đang thực tập tại Trạm Y tế xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: NGỌC HẢI

Trò chuyện cùng em, tôi cảm nhận ở cô gái này luôn tràn đầy năng lượng. Nhắc đến gia đình em, Kiều chia sẻ: “Cha mẹ em làm giáo viên dạy tiểu học, nhà không có ruộng đất canh tác nên kinh tế gia đình không dư dả gì. Em với em gái đứa học ngành dược, đứa học điều dưỡng, mỗi năm học phí cũng tốn hơn 16 triệu đồng. Tháng 7 năm sau, em sẽ tốt nghiệp ra trường. Em dự định xin việc làm để kiếm tiền lo cho cha mẹ, cả hai đã quá vất vả vì chúng em”.

Tuy việc đi học khá khó khăn nhưng thương cha mẹ, từ học phổ thông đến học cao đẳng, Xuân Kiều luôn cố gắng học tập thật tốt. 12 năm học phổ thông, em đều đạt học lực khá, từng tham gia cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp trường. Tốt nghiệp cấp 3, em nộp hồ sơ xét tuyển và đậu 2 trường: Trường Đại học Cửu Long và Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Nhưng do điều kiện gia đình không lo được cho em đi học xa nhà nên em chọn học ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng.

Hằng ngày, Kiều rất chăm chỉ học tập, những môn học khó em cố gắng chinh phục. Với sự cố gắng của mình, năm học vừa rồi em được xếp loại giỏi. “Em thấy khó nhất là học thuộc các tên thuốc. Em ghi tên thuốc ra giấy nhiều lần, rồi học từng tên cho thuộc. Em luôn cố gắng học tốt vì làm ngành này cần sự cẩn thận, lấy đúng thuốc và tư vấn sử dụng thuốc đúng cách cho bệnh nhân, không được lơ là, chủ quan. Ngoài học trên lớp, em cũng học tập thêm qua sách vở, internet, bạn bè”, Xuân Kiều bộc bạch. Kiều còn khoe, hiện em đang thực tập ở Trạm Y tế xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cùng nhóm bạn. Bạn bè và anh chị ở trạm quan tâm, hỗ trợ em rất nhiều. Và Kiều phấn đấu giữ vững thành tích học tập tốt, đó là như món quà tri ân cha mẹ.

“Vết chân tròn” trên rẫy đậu phộng

25 năm nay, việc đi lại của ông Trần Hùng Dũng, ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú khá khó khăn, nhưng không vì vậy mà ông để mình trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ông Dũng kể: “Năm 1999, lúc đó tôi 32 tuổi, do bệnh tật tôi phải cắt bỏ chân phải. Điều đó gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của tôi. Nhưng tôi cố gắng luyện tập, giờ cũng không bị hạn chế như trước”. Gia đình ông sở hữu 4 công đất, trong đó có 3 công ruộng và 1 công trồng rẫy. Hiện phần đất ruộng ông cho thuê, còn đất rẫy ông trồng rau màu, chủ yếu là đậu phộng. Vợ ông thì hằng ngày đi hái rau muống ở các kênh, mương bán kiếm thêm thu nhập.

Ông Trần Hùng Dũng, ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc rẫy đậu phộng xanh tốt. Ảnh: NGỌC HẢI

“Vết chân tròn” ấy in dấu trên luống đất, khi thì cuốc, xới cho đất tơi xốp, khi gieo hạt, tưới nước, làm cỏ. Đến thăm rẫy đậu phộng nhà ông chỉ thấy một màu xanh tốt của từng bụi đậu. Bà Phạm Thị Liên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mương Tra khen ngợi: “Tôi chung xóm với anh Dũng nên hay tới lui thăm. Phải nói là anh Dũng rất chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Anh năm nay đã 57 tuổi rồi nhưng không nề hà công việc. Thấy rẫy nhà anh trồng lúc nào cũng mướt mát. Nhờ chí thú làm ăn mà gia đình anh đã thoát nghèo hơn 3 năm nay”.

“Mỗi tháng tôi đều được nhận tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Tuy khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc, không có tính dựa dẫm mà đi lên bằng chính sức lao động của mình. Sắp tới, tôi cũng nghiên cứu trồng những rau màu có giá trị kinh tế, để nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Dũng trải lòng.

Chàng trai đa năng

Em Nguyễn Trọng Hữu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng, Tổ trưởng Tổ Xoa bóp, sở hữu khá nhiều những giải thưởng từ các giải đấu thể thao và các phong trào văn hóa, văn nghệ. Chính “mái nhà chung” của người khiếm thị đã làm thay đổi chàng trai ít nói, tự ti, mặc cảm với mọi người xung quanh. Trọng Hữu còn nhớ rõ: “Lúc em 12 tuổi, có cô, chú ở Hội Người mù tỉnh vận động cha mẹ (ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng)) đưa em đến học Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 17 tuổi, em đến Tổ Xoa bóp, Hội Người mù tỉnh để học nghề rồi được nhận vào làm, tính đến nay cũng được 12 năm. Mới vô nghề, em cũng gặp khó khăn, đi đứng chậm chạp, học động tác xoa bóp cũng chậm. Em cố gắng trau dồi thêm riết rồi cũng thạo việc. Em làm tổ trưởng cũng đã 7 năm rồi”.

Em Nguyễn Trọng Hữu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng, Tổ trưởng Tổ Xoa bóp luôn chăm chỉ học thêm nhiều kỹ năng. Ảnh: NGỌC HẢI

Vào hội, Hữu được học thêm máy vi tính, học chữ nổi, nhờ vậy mà em biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh đọc thêm sách báo, tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích. Điều đó giúp em biết thêm nhiều tấm gương người khuyết tật giàu nghị lực, thành công trên các lĩnh vực, truyền cảm hứng cho những người khuyết tật cố gắng vượt lên chính mình. Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh, nên những hoạt động nào của hội phát động, Hữu tham gia nhiệt tình. Nhiều lần em tham gia giải thi đấu thể thao, hội thi, hội diễn đạt nhiều giải thưởng. Trong đó, năm 2021, đạt giải nhất tại Giải chạy việt dã dành cho người khiếm thị tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất; đạt giải ba Hội thi Tay nghề Tẩm quất xoa bóp toàn quốc lần thứ III năm 2022; tiết mục biểu diễn kèn saxophone có em tham gia đạt huy chương bạc ở Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hữu chia sẻ: “5 giờ sáng là em đã thức dậy tập thể thao. Từ người đi đứng chậm chạp, nay em biết chạy bộ, bơi lội… Em đã tham gia nhiều cuộc thi và đạt thành tích khá tốt”.

Khi nhắc đến Trọng Hữu, chị Ngô Thị Hà - Chánh Văn phòng Hội Người mù tỉnh dành lời khen: “Hữu rất năng động, nhiệt tình. Em cũng thường xuyên đề xuất với Ban Chấp hành Hội quan tâm mở các lớp nâng cao tay nghề cho tổ viên, đề xuất tạo điều kiện cho anh em vay vốn phát triển kinh tế gia đình… Hiện Tổ xoa bóp có 23 thành viên, mỗi thành viên thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Hữu là “cây phong trào” của hội, phát động phong trào hay cuộc thi nào Hữu cũng đều tham gia tích cực, nhiều cuộc thi đạt giải cao”.

Sự khiếm khuyến trên cơ thể đã "đánh thức" sự cố gắng của mỗi người và họ đã tạo cho cuộc sống thêm gam màu tươi sáng. Không đầu hàng hoàn cảnh, quyết tâm hướng về phía trước, thay đổi chính mình hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua… là những điều mà cô sinh viên Xuân Kiều, lão nông Hùng Dũng và Trọng Hữu hướng đến.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: