Tăng kết nối giao thông, tạo đột phá phát triển liên vùng ĐBSCL

21/09/2022 09:45 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP Online
  • Thứ Tư, 21/09/2022 | 09:45

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã và đang bàn cách tăng cường liên kết vùng. Một trong những lĩnh vực cần kết nối trước hết là giao thông.

Thi công cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: NGỌC PHÚC

Nhiều dự án kết nối giao thông

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (QL) là QL53, QL62, QL91B khu vực ĐBSCL với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng vừa phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài 723,7km tuyến chính (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng), trong đó có đoạn Cần Thơ - Cà Mau (110,9km). 

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, vừa ký ban hành đề án tổng thể phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó quan trọng nhất là yếu tố giao thông. “Chúng tôi xác định phải tăng khả năng kết nối cao tốc với An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang. Cụ thể, nâng cấp tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi lên thành bê tông nhựa nóng. Nâng cấp đường ven biển của tỉnh, đường hành lang ven biển phía Nam về Cà Mau và đường N1 từ Giang Thành qua An Giang…”, ông Lâm Minh Thành nói.

Theo UBND tỉnh An Giang, để đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng vị thế của khu vực ĐBSCL, trong đó có An Giang, vùng Tứ giác Long Xuyên, Chính phủ đã cơ bản chấp thuận đầu tư hoàn thiện hệ thống các đường cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Giá… ngay trong nhiệm kỳ 2021-2025 này.

Nhằm giảm áp lực giao thông trên các tuyến QL1A, QL50, N2, cao tốc TPHCM - Trung Lương, tăng cường kết nối giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL với TPHCM, đồng thời mở rộng không gian phát triển tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư liên vùng, tỉnh Long An đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, trong đó có tuyến đường động lực QL50B (đường tỉnh 827E) theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030.

Đối với tỉnh Bến Tre, nơi có vị trí tương đối cách biệt ở ĐBSCL, hiện cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải thường xuyên ách tắc, nên tình hình giao thương đi lại cũng còn những hạn chế. Cho nên tháng 3 vừa qua, tỉnh Bến Tre đã khởi công cầu Rạch Miễu 2 quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long cũng vừa thỏa thuận thống nhất phương án xây cầu Đình Khao có tổng chiều dài tuyến khoảng 11,31km, điểm bắt đầu tại QL53 xã Long An (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), sau đó vượt sông Cổ Chiên, đi qua cồn Phú Đa, cồn Phú Bình (thuộc huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và kết thúc tại vị trí giao với QL57.

Long An sẽ phát huy lợi thế cửa ngõ kết nối ĐBSCL với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TPHCM

Giảm chi phí logistics

Ông Trần Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Kiên Hùng cho biết, chi phí logistics của các tỉnh ở phía cuối khu vực ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang hiện khá cao. Một container loại 20 feet từ Kiên Giang chở hàng tới cảng xuất khẩu ở TP HCM phải tốn khoảng 8 triệu đồng, mức này cao hơn khoảng 15% so với các tỉnh/thành phố như Cần Thơ, Tiền Giang… Do đó, nếu việc đầu tư kết nối các tuyến cao tốc thông suốt cả khu vực ĐBSCL sớm thành hiện thực, không chỉ kéo giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, mà còn có thể tăng cường thu hút đầu tư các dự án mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động. 

Ông Bùi Ngọc Sương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phân tích, các đô thị lớn ở miền Đông Nam bộ đang quá tải bởi số công nhân nhập cư lên tới hàng triệu người. Trong khi đó, các tỉnh, thành ĐBSCL đều có các khu/cụm công nghiệp phù hợp với tiềm năng của địa phương. Chẳng hạn Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp… đều có các cụm công nghiệp chế biến nông - thủy sản xuất khẩu; chưa kể công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, xay xát gạo…, thế nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.

“Nếu giao thông thuận lợi, nhanh chóng thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đổ vốn về miền Tây. Hàng triệu lao động sẽ không phải tha phương cầu thực như hiện nay. Đồng thời, các đô thị như Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ giảm quá tải dân nhập cư”, ông Bùi Ngọc Sương nói.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), ĐBSCL có số dự án đầu tư nước ngoài gần thấp nhất cả nước, trừ tỉnh Long An do tiếp giáp TPHCM. Nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông còn yếu. Trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 1.825 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 33,5 tỷ USD, chiếm 8,4% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và xếp thứ 4 trong 6 vùng của cả nước.

NGỌC PHÚC - QUỐC BÌNH/BÁO SGGP

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: