Vui xuân với người cao tuổi

12/02/2024 04:14 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 12/02/2024 | 04:14

STO - Truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay luôn coi trọng người cao tuổi. Bởi họ là tài sản quý của dân tộc; là những người có bề dày kinh nghiệm trong cuộc sống; là người dẫn dắt cho thế hệ tiếp theo. Ở Sóc Trăng cũng vậy, người cao tuổi luôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, có sự nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho gia đình và xã hội. Thông qua các phong trào do hội người cao tuổi phát động, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, mẫu mực.

LINH HOẠT, NHẠY BÉN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 164.000 người cao tuổi, trong đó có gần 33.000 người cao tuổi có điều kiện tham gia làm kinh tế trên các lĩnh vực. Ông Mai Văn Nhân - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Với tinh thần “tuổi cao - gương sáng”, lực lượng người cao tuổi được xem là một nguồn lực quý, luôn có nguyện vọng tiếp tục làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến cho gia đình và xã hội. Vì vậy, 5 năm qua (2018 - 2023), các cấp hội trong tỉnh đã xét chọn và công nhận 9.169 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Trong đó, người cao tuổi được công nhận làm kinh tế giỏi cấp cơ sở chiếm 87,86%; cấp huyện chiếm 11,33%; cấp tỉnh 0,72% và cấp Trung ương 0,09%”.

Trong cái lạnh se se pha lẫn chút ấm áp của những ngày cuối năm, chúng tôi tranh thủ hẹn gặp chú Võ Hoàng Khải (67 tuổi), ngụ ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) để tìm hiểu về cách người cao tuổi làm kinh tế hiệu quả. Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng chú hay nhắc về những ngày tháng gian khổ năm xưa: “Vợ chồng gặp nhau lúc kinh tế còn hết sức khó khăn. Cô chú khởi nghiệp chỉ với 3 công đất, nhưng nhờ chí thú làm ăn, chịu học hỏi nên dần dần cũng mua được thêm ruộng đất, rồi mở ra kinh doanh nên kinh tế cũng vững vàng hơn”.

Biểu dương người cao tuổi ở tỉnh Sóc Trăng làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018 - 2023. Ảnh: MAI KHÔI

Khởi nghiệp từ vài công đất trồng mía, tích cóp dần dần, chú mở ra lò đường, rồi có ghe chở mía thuê. Theo chú Khải, thời điểm làm ăn thuận lợi nhất là từ khi chia tách huyện Cù Lao Dung và Long Phú, hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đường sá thông thoáng, đi lại dễ dàng. Bằng sự linh hoạt, nhạy bén, gia đình chú đã đầu tư mua được 130 công đất để nuôi tôm, trồng tràm, trồng dừa… và mở thêm cửa hàng xăng dầu, kinh doanh đến hôm nay. Chú Khải cho biết, 5 năm qua (2018 - 2023), tổng doanh thu của gia đình trên 25 tỷ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 10 tỷ đồng.

Còn chú Trịnh Thanh Hồng, 65 tuổi, ở ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ xuyên (Sóc Trăng) càng phấn khởi hơn khi được chọn là người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp Trung ương và được chọn là 1 trong 4 điển hình tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc tại Hà Nội. Chú Hồng hồ hởi kể về quá trình nuôi tôm của mình: “Trước đây, chú đào ao nuôi tôm theo cách làm truyền thống. Ban đầu thì vụ trúng, vụ thất, sau đó hiệu quả ngày càng thấp mà không rõ nguyên nhân. Sau khi nắm bắt kỹ thuật về mô hình nuôi tôm theo phương pháp mới, cùng với tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên 5 năm qua, các ao tôm của gia đình chú vụ nào cũng cho năng suất cao, chất lượng đạt yêu cầu”.

Khởi đầu với 2ha đất nuôi tôm, nay diện tích này của gia đình đã tăng lên 6ha, doanh thu hằng năm trên 10 tỷ đồng, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng. Chú Hồng cho biết thêm, tình hình chung của năm nay là giá tôm không cao nên người nuôi lãi không nhiều, thậm chí là huề vốn nhưng nhờ đảm bảo kỹ thuật nên năng suất tôm của gia đình khá ổn. Nhờ vậy, hằng năm chú còn tạo việc làm ổn định cho 11 lao động ở địa phương.

CÙNG NHỮNG HOẠT ĐỘNG ẤM ÁP NGHĨA TÌNH

Người Việt Nam ta có câu “Thương người như thể thương thân” hay “Lá lành đùm lá rách” - điều này càng thấm nhuần hơn đối với những người cao tuổi. Bởi bằng sự dày dạn, từng trải và cả thấu hiểu cuộc sống nên họ luôn có sự quan tâm chia sẻ với mọi người. Thông qua chính quyền địa phương hay cộng đồng, những người cao tuổi có điều kiện rất nhiệt tình tham gia vào các phong trào hoạt động cũng như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh.

Là một phụ nữ cao tuổi nhưng cô Ngô Nguyệt Hoa ngụ ấp Phước Hòa, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cũng không kém phần nhạy bén trong làm kinh tế. Nhiều bà con nơi đây biết đến cô, là một chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp có uy tín, với doanh thu hằng năm đạt trên 10 tỷ đồng. Cô cũng là 1 trong 4 điển hình tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc nhiệm kỳ 2018 - 2023 tại Hà Nội vừa qua.

Người cao tuổi ở tỉnh Sóc Trăng vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2018 - 2023 tại Hà Nội. Ảnh: MINH HOÀI

Vừa bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng với tinh thần tuổi cao chí càng cao, cô luôn mong muốn đóng góp sức mình vào việc phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Hằng năm, gia đình cô tích cực đóng góp vào các loại quỹ do địa phương vận động, tổng trị giá số tiền cô đóng góp trong 5 năm qua khoảng 800 triệu đồng. Đặc biệt, khi được vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn, cô đã sẵn sàng hiến tặng 4.000m2 đất để người dân có đường sá đi lại thuận tiện.

Hôm đến gặp cô, dù đang bị cảm do thời tiết thay đổi nhưng cô vẫn xông xáo ra công trình hướng dẫn anh em sửa chữa con lộ trước nhà. Cô cho biết: “Thấy đường sá xuống cấp quá, người dân, các cháu học sinh đi lại khó khăn nên cô xin phép chính quyền địa phương đứng ra vận động người góp công, người góp của để sửa lại con đường. Cực nhưng mà thấy ấm lòng vì mình làm được điều gì đó có ích cho bà con”. Nhiều năm qua là vậy, cầu, đường chỗ nào hư hỏng cô đề xuất với chính quyền, đứng ra vận động bà con đóng góp sức người, sức của để sửa chữa, dặm vá. Cô còn tham gia cùng với Hội Người cao tuổi xã Phú Tân thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho người cao tuổi.

Còn chú Võ Hoàng Khải tâm sự: “Với xuất phát điểm của mình cũng nghèo khó, nên khi có điều kiện chú rất quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn. Vậy là chú tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương như: đóng góp cho Tổ cháo tình thương tại Trung tâm Y tế huyện 5 triệu đồng/năm, tặng gạo cho hộ nghèo 3,5 tấn/năm, ủng hộ các gia đình đặc biệt khó khăn từ 3 - 5 triệu đồng/năm, ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Khuyến học từ 3 - 5 triệu đồng/năm. Biết xung quanh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, chú sẵn sàng cho 3 gia đình mượn 8 công đất trồng mía; rồi hỗ trợ mía giống, phân bón không tính lãi; đóng 3 cây nước sinh hoạt”. Vợ chồng chú còn nhận nuôi dưỡng 2 địa chỉ nhân đạo, ngoài những phần quà dịp lễ, Tết, mỗi tháng còn cấp 300.000 đồng cho các đối tượng đến cuối đời. Với những đóng góp đáng kể đó, chú Võ Hoàng Khải được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

Xuân đã về trên khắp mọi nơi. Người người, nhà nhà đang háo hức đón chào mùa vui của đất trời. Với người cao tuổi lại càng thấy vui hơn, phấn khởi hơn khi mình lại chạm đến một mùa xuân tươi đẹp. Càng tự hào hơn khi thế hệ người cao tuổi đã làm được vô vàn những điều có ích cho cuộc sống, cho quê hương, đất nước.

MAI KHÔI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: