• Xây dựng nông thôn mới

Đề xuất giải pháp, sáng kiến, mô hình phù hợp để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả

17/07/2023 16:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/07/2023 | 16:23
Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Bắc

STO - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị tổ chức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 4.000 đại biểu.

Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương cùng dự họp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là 32.050 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai chương trình, tổng nguồn lực huy động trong cả nước là khoảng 1.752.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi” chiếm 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tín dụng, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện.

Hiện tại, cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 73,65%, tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đánh giá kết quả đạt chuẩn nông thôn mới theo từng vùng, miền: vùng đồng bằng sông Hồng có 1.733 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 100%); vùng Đông Nam Bộ có 385/421 xã đạt chuẩn (91,4%); vùng đồng bằng sông Cửu Long có 1.019/1.253 xã đạt chuẩn (81,3%); vùng Bắc Trung Bộ có 1.037/1.380 xã đạt chuẩn (75,1%); vùng duyên hải Nam Trung Bộ có 539/781 xã đạt chuẩn (69%); vùng Tây Nguyên có 346/590 xã đạt chuẩn (58,6%).

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Trong thực hiện phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, các vùng, miền, có 6.670 xã đạt tiêu chí giao thông (81,6%), 7.950 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai (97,2%), có 7.575 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (92,6%), 7.813 xã (95,5%) đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Đến tháng 7/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên; có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% doanh nghiệp, 34,1% cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Về các nội dung liên quan đến môi trường, cảnh quan nông thôn, có 6.402 xã (78,3%) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cả nước có từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến, triển khai những mô hình phù hợp, khắc phục khó khăn, hạn chế để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, có ý nghĩa. Các địa phương phải có kế hoạch, chiến lược, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc văn hóa riêng của các làng quê, nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn. Trong thực hiện xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP phải ưu tiên sử dụng, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện, tạo sự phấn khởi, tự tin cho người dân để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Mỗi địa phương phải thật sự tự hào với thế giới về các di sản nông thôn đậm đà bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: