• Xây dựng nông thôn mới

Mùa xuân trên quê hương

28/01/2022 14:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 28/01/2022 | 14:25

STO - Những cụ cao tuổi trong những giây phút nhàn rỗi hay nhắc lại chuyện ngày xưa. Nhiều ông, bà hay nhớ lại quá khứ lao động tay chân mà không biết khoa học công nghệ là gì, cứ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm cũng khó đi ra khỏi xóm, ấp vì phần do quần quật lao động, phần do giao thông đi lại khó khăn. Còn trẻ con muốn học được cái chữ phải lặn lội mấy cây số mới tới trường. Bây giờ đã khác xưa, cuộc sống của đại bộ phận người dân quê hương Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung đã đi lên đáng kể. Đó là thành quả của công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước, hướng đến chăm lo đời sống nhân dân và giảm nghèo, để cho quê hương càng thêm phát triển, bừng lên sắc xuân khi năm hết, Tết đến.

Từ sau 30 năm tái lập đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã khoác lên mình chiếc áo mới với nhiều gam màu tươi sáng, trong đó, trước đây huyện Mỹ Xuyên là một trong những huyện nghèo của tỉnh, nay đã chuyển mình vươn lên phát triển là huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận huyện nông thôn mới.

Cô Văn Thị Bạch (con Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Văn Ngọc Chính) là cán bộ lão thành cách mạng huyện Mỹ Xuyên nay đã bước sang tuổi 85, khi nhắc đến quê hương, cô Bạch phấn khởi cho biết: “Từ khi tái lập tỉnh đến nay, huyện Mỹ Xuyên được đầu tư hệ thống giao thông nông thôn ấp liền ấp, xã liền xã. Cái đó là dân mình rất mừng. Rồi thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới, giờ quê hương Mỹ Xuyên có nhiều điểm mới. Từ nhà cô (thị trấn Mỹ Xuyên) về quê ở xã Hóa Tú 1 gần lắm, hơn nửa tiếng là tới nơi rồi. Về quê, tôi thấy nhà cửa quanh xóm ai cũng xây dựng khang trang, hộ khá giàu tăng, hộ nghèo giảm dần. Về giáo dục thì trước đây các cháu ở các xã nông thôn phải ra thị trấn học, bây giờ trường học xây dựng nhiều hơn. Cái đó là điều đáng mừng để con em mình được học tập đến nơi đến chốn, chứ xa xôi những gia đình nghèo không có khả năng lo cho con đi học. Cô thấy phấn khởi về điều này lắm”. Tuy nhiên, cô Bạch vẫn còn băn khoăn về hệ thống y tế cơ sở vì chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, nhiều người phải đi tuyến trên để khám, chữa bệnh. Nếu được đầu tư tốt hơn thì dân khỏi phải đi xa, đỡ cực, tiết kiệm chi phí.

Ông Trần Văn Bát - Bí thư Chi bộ, phụ trách Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phấn khởi khi việc sản xuất của nông dân ngày nay thuận lợi hơn. Ảnh: NGỌC HẢI

Hơn 50 năm định canh, định cư ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, ông Trần Văn Bát - Bí thư Chi bộ, phụ trách Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Chụm (65 tuổi) đã chứng kiến nhiều đổi thay của vùng đất nghèo khó xưa kia. Trao đổi cùng ông, tôi vui miệng nói đùa: Thời gian đã "hóa phép" cho vùng đất Tham Đôn lớn thêm sánh vai với các xã, thị trấn của huyện nông thôn mới Mỹ Xuyên.

Nghe vậy, ông Bát từ từ phân tích: “Xã Tham Đôn là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Người dân địa phương được thụ hưởng nhiều chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, tạo sức bật cho Tham Đôn”. Ông Bát kể lại, ông về ấp Bưng Chụm sinh sống từ năm 1969 đến nay. Ấp có tỷ lệ đồng bào Khmer 95%. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng; cơ sở y tế, trường học, điện lưới quốc gia, nước sạch… tiếp nối “đến” xã, đời sống người dân nâng lên mọi mặt. Theo thống kê gần đây, ấp có 368 hộ, chỉ còn 3 hộ nghèo, nhiều hộ khá giàu sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp.

Trước đây, nông dân quanh năm chỉ biết làm lúa 1 vụ, nay được đầu từ kênh thủy lợi nội đồng, trồng được 2 vụ lúa, xuống giống lúa cao sản, được bao tiêu sau thu hoạch; tận dụng đất, cải tạo lên liếp trồng màu; trước đây chỉ biết nuôi heo, gà, vịt quanh nhà, buôn bán nhỏ lẻ nay nông dân chuyển sang mô hình bò sữa, bò thịt. Người dân hiện nay đã thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư hệ thống tưới phun tự động, sản xuất rau sạch, hạn chế sử dụng phân, thuốc để rau màu bán được giá cao hơn.

Đường giao thông được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: NGỌC HẢI

Nhắc đến giáo dục, ông Bát góp lời: “30 năm trước, con em đến tuổi đến trường cũng khó đi học vì trường xa. Thế mà giờ đây xã đã có trường mẫu giáo, tiểu học, cấp 2, đường sá đi học thuận lợi hơn nhiều. Giờ con em học cao đẳng, đại học nhiều lắm, không phải như năm 90, cả ấp có 4 - 5 người học cao đẳng. Như nhà ông Triệu Sao, có 5 người con đều học cao đẳng, đại học, ra trường về quê dạy chữ, làm y sĩ. Hay nhà ông Lưu Tấn, 3 người con học đại học ra trường xin việc đi dạy ở Sóc Trăng, có 1 người đã học thạc sĩ. Các cháu muốn góp công sức của mình gieo tri thức đến với thế hệ tiếp nối”.

Khi nhắc đến quê hương mình, ông Sơn Chanh (76 tuổi), ở ấp Tá Biên, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cũng cất giọng tự hào: “Nhiều con đường nông thôn rất đẹp, không chỉ được tráng bêtông láng mịn mà hai bên đường còn được phát quang sạch sẽ, trồng hoa đầy màu sắc. Tối tối nếu lỡ đường cũng vô tư lái xe vì có bóng đèn thắp sáng đường quê sáng rực cả con đường. Nhiều nơi lộ xe ngang qua cánh đồng, ruộng rẫy nên thương lái đến thu mua nông sản dễ, nhanh, cho giá cao hơn vì giảm chi phí vận chuyển”. Kể đến đây, ông lại nhớ cái thời gieo trồng nhỏ lẻ, tốn công, tốn sức vận chuyển, tìm đầu ra mà đồng lời cũng chẳng là bao. Giờ làm nông khá nhàn, lợi nhuận cao. Điện thì hộ có hộ không, phải xài điện câu đuôi rất bất tiện, nguy hiểm, nay thì lưới điện quốc gia phủ đầy thôn xóm, mở ra nhiều tiện ích trong đời sống người dân.

Lật mở trang quá khứ, đối chiếu với hiện tại để thấy được những định hướng, quyết sách và ưu tiên thực hiện của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng qua 30 năm tái lập tỉnh đến nay, trọng tâm là chăm lo đời sống nhân dân, phát huy thế mạnh địa phương, đánh tan đói nghèo, lạc hậu, mang mùa xuân đến với vùng thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đến với mọi nhà, mọi người.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: