• Xây dựng nông thôn mới

Phấn đấu đến năm 2025, Sóc Trăng có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

17/10/2022 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/10/2022 | 07:00

STO - Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để điểm lại thành quả tỉnh nhà đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu đến năm 2025 về thực hiện chương trình tại tỉnh, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng xung quanh các nội dung trên.

Phóng viên: Xin đồng chí điểm qua thành quả 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2020?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Qua 10 năm thực hiện chương trình, giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, với sự quyết tâm và đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và người dân, tỉnh thực hiện thắng lợi các nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020 ngay trong năm 2019, sớm hơn 1 năm so với lộ trình đề ra. Cuối năm 2020, thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên.

Thông qua xây dựng nông thôn mới, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, tình hình phát triển sản xuất và diện mạo nông thôn có bước chuyển biến đáng kể. Theo đó, xe ôtô đã đến trung tâm 109/109 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,5%, 100% ấp đã có lưới điện quốc gia về tới trung tâm, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên 98%. Kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, với 194 hợp tác xã (hiện tại 201 hợp tác xã) nông nghiệp. Lúa đặc sản chiếm trên 50% diện tích gieo trồng (hiện tại hơn 78%); cây ăn trái (vú sữa, bưởi, nhãn) đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã có 99 sản phẩm được chứng nhận các sao OCOP (hiện tại 174 sản phẩm), trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP… Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,66%.

Phóng viên: Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2025 sẽ có bao nhiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, tỉnh có thêm ít nhất 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng lên toàn tỉnh có 72 xã (90%) đạt chuẩn nông thôn mới. Có thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng lên toàn tỉnh là 32 xã (40%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó ít nhất 8 xã (10%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có thêm ít nhất 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng lên 6 đơn vị cấp huyện (60%) đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có ít nhất 60% số ấp đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới, theo các tiêu chí do UBND tỉnh quy định.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ thêm về giải pháp để thực hiện mục tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Về giải pháp thực hiện đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, là tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai, nâng cao chất lượng cuộc vận động xã hội về phong trào xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của chương trình. Đồng thời, trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, ưu tiên cho các xã thuộc đơn vị cấp huyện có khả năng đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Quan tâm phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THÚY LIỄU (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: