• Xây dựng nông thôn mới

Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Phát huy vai trò của hội nông dân trong xây dựng nông thôn mới

11/09/2023 05:14 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Thứ Hai, 11/09/2023 | 05:14

STO - Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy vai trò cầu nối, kết nối nông dân với các ngành, hài hòa lợi ích giữa các bên để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn...

Xây dựng hạ tầng nông thôn

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, được hội nông dân các cấp và đông đảo hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng. Với nhiều cách làm sáng tạo, huy động nhiều nguồn lực, nhờ đó diện mạo của nhiều vùng nông thôn đổi mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 64/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện, gồm: Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu được công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch với những nội dung thực hiện cụ thể gắn với các phong trào thi đua của tổ chức hội và triển khai rộng rãi trong hội viên, nông dân. Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội vận động hội viên, nông dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng nâng cấp hạ tầng nông thôn với trên 58.700 ngày công lao động, nông dân hiến 50.580m2 đất, tham gia trồng cây xanh, trồng và bảo vệ rừng... với số tiền trên 40 tỷ đồng.

Điển hình trong việc chung tay xây dựng nông thôn văn minh, giàu đẹp phải kể đến các hộ dân ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn phục vụ dân sinh. Cụ thể, năm 2020, khi huyện Trần Đề đầu tư xây dựng tuyến lộ đal có chiều dài gần 700m, nối từ ấp Sóc Lèo B qua ấp Phố Dưới B của thị trấn, 7 hộ dân trong khu vực đã đồng lòng hiến đất làm đường. Trong đó gia đình ông Khưu Hòa Minh đã hiến khoảng 100m2 đất làm rẫy, đất vườn trồng cây lâu năm đang cho thu nhập đáng kể; hay gia đình ông Khưu Bảo Lộc đã hiến một phần đất làm rẫy, với giá trị kinh tế lên đến hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông. Ngoài ra, ở huyện Trần Đề còn có ông Lê Văn Chánh, hội viên Chi hội Nông dân ấp Thạnh Nhãn 2, xã Thạnh Thới Thuận đã hiến 4.000m2 đất xây dựng trường học, trị giá trên 160 triệu đồng…

Hội viên hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tham gia nhiều mô hình tự quản về an ninh, trật tự. Ảnh: Hội Nông dân Sóc Trăng

Năm 2021, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện mô hình “Thắp sáng nông thôn mới” tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu; năm 2023 tiếp tục triển khai mô hình ở xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm và xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung với kinh phí cho mỗi mô hình ở các địa phương là 30 triệu đồng. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình tuyến đường đèn năng lượng mặt trời xanh, sạch, đẹp tại xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu năm 2022 (kinh phí thực hiện trên 53,4 triệu đồng); xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú năm 2023 (kinh phí thực hiện trên 53,4 triệu đồng), góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương và phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028, hội đã phối hợp khánh thành 1 cầu thép lắp ghép nông thôn tại xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tổng kinh phí 105 triệu đồng.

Nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế, khai thác nguồn lực triển khai các chương trình, dự án, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng 5 cầu thép lắp ghép kiểu mẫu” tại thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm và các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, qua đó đã góp phần giải quyết nhu cầu giao thông đi lại hằng ngày cho nhân dân địa phương với tổng trị giá 600 triệu đồng. Tính đến hiện tại, từ sự phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng 12 cây cầu thép lắp ghép nông thôn, trị giá trên 1,3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 240 triệu đồng.

Tham gia bảo vệ môi trường, an ninh trật tự

Trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân đặc biệt chú trọng tiêu chí về môi trường. Theo đó, hằng năm hội nông dân các cấp xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền và các ban ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, tháng hành động vì môi trường với các hoạt động thiết thực, như: nạo vét kênh mương, dọn cỏ, vớt rác, khơi thông dòng chảy, thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon, vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW, ngày 21/7/2014 về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020”, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo mỗi cơ sở hội xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, đạt trên 100% chỉ tiêu Trung ương, đạt 126% chỉ tiêu nghị quyết; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 55 lớp tập huấn cho 1.400 cán bộ, hội viên, nông dân về “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án về “Tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Mê Kông”, đồng thời tham gia Dự án Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm - lúa và lúa gạo tại huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề.

Phát huy vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các cấp hội thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa phương. Qua đó, hội nông dân các cấp phối hợp với lực lượng vũ trang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Vận động con em hội viên chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự, tham gia lực lượng dân quân tự vệ; tham gia các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, các tổ tự quản, tổ hòa giải ở cơ sở, phối hợp nhận cảm hóa, giáo dục 1.225/1.272 đối tượng hòa nhập cộng đồng, tham gia xóa hàng trăm tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Công an tỉnh ký kết Chương trình phối hợp số 07/CTrPH-CAT-HNDT, ngày 29/12/2017 về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm giai đoạn 2017 - 2021, qua đó thành lập và duy trì hoạt động 943 mô hình tự quản về an ninh, trật tự, với 37.372 hội viên tham gia. Các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với lực lượng vũ trang xây dựng và duy trì hiệu quả 177 chi hội “Không có hội viên và con em mắc các tệ nạn xã hội” với trên 9.700 hội viên; 160 mô hình chi hội “Cam kết không có hội viên và người thân vi phạm trật tự an toàn giao thông” với trên 10.000 thành viên, 54 mô hình chi hội tham gia giữ gìn an toàn giao thông với 4.398 thành viên.

Đồng chí Đặng Tấn Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào. Trong đó, các cấp hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW, ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục duy trì mỗi cơ sở hội xây dựng 1 mô hình chi hội sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu với mục đích lấy hiệu quả thực tiễn để tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân làm theo. Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt từ 15 tiêu chí trở lên, hội sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân”.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: