• Xây dựng nông thôn mới

Xã Đại Tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa - du lịch

24/09/2023 04:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 24/09/2023 | 04:50

STO - Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2022, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vinh dự đón Bằng công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Hiện địa phương đã và đang huy động các nguồn lực tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2023 về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoàn thiện các tiêu chí bắt buộc

Để phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023, thời gian qua, xã Đại Tâm đã tập trung nâng chất, đảm bảo thực hiện đầy đủ 18 tiêu chí, với 75 chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1417/QĐ-UBND, ngày 30/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Song song đó, địa phương tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí bắt buộc xã nông thôn mới kiểu mẫu về thu nhập, mô hình ấp thông minh, ấp văn hóa nông thôn mới…

Theo đồng chí Trương Tấn Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, tranh thủ tối đa nguồn lực từ các chương trình, chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xã Đại Tâm triển khai thực hiện dạy nghề, giới thiệu việc làm; giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ người dân tham gia thực hiện các mô hình phát triển sản xuất… để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Qua kết quả điều tra, tổng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2023 đạt trên 79 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với bộ tiêu chí (thu nhập 75 triệu đồng/người/năm).

Bên cạnh đó, Đại Tâm chọn ấp Đại Chí làm mô hình ấp thông minh. Để triển khai mô hình này, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân cùng thực hiện 9 tiêu chí nhỏ thuộc tiêu chí ấp thông minh. Đồng chí Danh Văn Huyên - Trưởng Ban nhân dân ấp Đại Chí cho biết, toàn ấp có 484 hộ dân, trong đó có 458 hộ có điện thoại thông minh; có 257/484 hộ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… Từ đó, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí về tỷ lệ hộ gia đình được bao phủ bởi hạ tầng kết nối internet cáp quang và thông tin di động; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản và sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến hoặc sử dụng các ứng dụng thanh toán không cần tiền mặt… Đặc biệt, đối với tiêu chí có hệ thống camera giám sát an ninh tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn ấp, địa phương thực hiện xã hội hóa, vận động người dân góp tiền trang bị 5 camera, trong đó 4 camera an ninh, 1 camera môi trường. Ông Thạch Quang - người dân sinh sống tại ấp Đại Chí cho biết, bản thân ông và bà con trong ấp Đại Chí rất vui khi góp sức cùng chính quyền thực hiện mô hình ấp thông minh. Từ khi có camera, tình trạng trộm cắp trong ấp giảm hẳn. Việc vứt rác bừa bãi cũng không còn, phần lớn người dân đều đăng ký thu gom rác theo quy định.

Chùa Chén Kiểu là sản phẩm du lịch đặc trưng của xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), giúp địa phương tự tin chọn tiêu chí kiểu mẫu về văn hóa - du lịch để xây dựng. Ảnh: HOÀNG LAN

Tự chọn tiêu chí kiểu mẫu về văn hóa - du lịch tạo nét riêng

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, Đại Tâm đã chọn tiêu chí kiểu mẫu về văn hóa - du lịch để tập trung thực hiện. Đồng chí Trương Tấn Lâm cho biết, lý do địa phương tự chọn tiêu chí này vì Đại Tâm có sản phẩm du lịch đặc trưng là chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu). Đây là một trong những ngôi chùa Khmer lớn của tỉnh và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012. Ngôi chùa mang đậm nét văn hóa Khmer Nam Bộ với kiến trúc nghệ thuật độc đáo -  các bức tường được ốp bằng những mảnh chén, dĩa rất thẩm mỹ, đẹp mắt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách gần xa. Nhờ đó, hằng năm chùa thu hút khoảng 200.000 lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan. Theo Đại đức Kim Hoàng Hưng - Trụ trì chùa Chén Kiểu, để chung tay cùng chính quyền địa phương cụ thể hóa tiêu chí văn hóa - du lịch, nhà chùa đầu tư xây dựng nhà truyền thống bằng gỗ của đồng bào Khmer, trồng vườn hoa, đóng thêm chiếc ghe ngo mini trưng bày trong khuôn viên nhà chùa để du khách chiêm ngưỡng. Song song đó, nhà chùa còn duy trì hoạt động của câu lạc bộ ngũ âm, qua đó góp phần lưu giữ, phát huy truyền thống của đồng bào Khmer, đồng thời tạo điểm nhấn về du lịch cho địa phương.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 8 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên tại 8 ấp. Xã còn đầu tư sân bi sắt, sân cầu lông, sân bóng chuyền, sân bóng đá… cũng như lắp đặt các dụng cụ tập thể dục ngoài trời ở điểm công cộng để phục vụ người dân. Vì vậy, xã Đại Tâm rất tự tin khi tự chọn tiêu chí kiểu mẫu về văn hóa - du lịch.

Tính đến nay, qua công tác rà soát, tự đánh giá, xã Đại Tâm đã đạt chuẩn so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 2537/QĐ-UBND, ngày 27/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong thời gian chờ thẩm định từ cấp có thẩm quyền, địa phương tập trung chỉnh trang lại các tuyến đường; thành lập các mô hình phòng, chống tội phạm nhằm củng cố an ninh trật tự. Xã đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực để nâng chất các tiêu chí còn yếu… Với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ và sự ủng hộ của người dân, Đại Tâm tự tin về đích vào cuối năm 2023 và trở thành xã đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

HOÀNG LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: